Với doanh thu thu phí chỉ đạt 80 - 90 triệu đồng/ngày, trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đang lâm vào cảnh bi đát khi tiền thu phí không đủ để bù đắp chi phí vận hành và tiền lãi ngân hàng.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, chia sẻ "khó khăn muôn trùng" khi riêng tiền lãi ngân hàng của doanh nghiệp này đã hết khoảng 16 - 17 tỉ đồng/tháng. Đây cũng là một trong những trạm BOT khó khăn nhất về tài chính và đang phải cầm cự chờ xử lý.
“Dự án có nhiều năm không được thu phí do không đạt được đồng thuận với địa phương và người dân. Hiện chúng tôi cũng chỉ được thu phí 1 trạm trên tổng 2 trạm của dự án. Tuy nhiên, do đây là đường song hành nên khi 1 trạm thu phí thì phương tiện đi vào trạm còn lại để né phí, hoặc đi các đường ngang để tránh trạm thu phí”, ông Thanh cho biết.
Tương tự, theo báo cáo của Công ty CP BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, lũy kế doanh thu từ thời điểm bắt đầu thu đến hết tháng 10.2023 chỉ đạt 33%. Thậm chí, những năm gần đây do nguyên nhân khách quan nên lũy kế doanh thu chỉ đạt 24 - 29%. Mức thu cũng không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay.
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Tân Đệ - La Uyên (Thái Bình) và hạng mục bổ sung xây dựng tuyến tránh TT.Đông Hưng lũy kế doanh thu đạt 22% do phải dừng thu phí để di dời trạm về tuyến tránh TT.Đông Hưng.
Ngoài ra, dự án BOT cầu Thái Hà có doanh thu chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng. Lý do, dù dự án hoàn thành từ tháng 4.2018 nhưng đến tháng 1.2019 mới được thu phí do ảnh hưởng bởi tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Bộ GTVT cho biết, trong 53 dự án BOT do bộ này quản lý, chỉ có 4 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng và 26 dự án đạt 70 - 100% phương án thu phí; 19 dự án doanh thu chỉ đạt 30 - 70%, đặc biệt có 4 dự án mức thu dưới 30%.
Không xử lý BOT, khó thu hút PPP
Việc xử lý 8 dự án BOT bất cập, vướng mắc đã được đặt ra từ năm 2018, nhưng sau nhiều lần trình, tới nay vẫn chưa "chốt" được phương án xử lý. Bộ GTVT từng đề xuất nhiều phương án như bố trí 13.100 tỉ đồng từ ngân sách, phương án 11.700 tỉ đồng; 9.400 tỉ đồng rồi 10.300 tỉ đồng...
Mới nhất, trong tờ trình đầu tháng 3 gửi Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT đề xuất chia 8 dự án BOT có vướng mắc cần giải quyết thành 3 nhóm.
Trong đó, nhóm 1 với 2 dự án doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi là BOT Thái Hà và BOT cầu Việt Trì, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để hỗ trợ khoảng 1.557 tỉ đồng. Nhóm 2, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước đối với sự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân), khoảng 2.280 tỉ đồng.
Nhóm 3, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án. Nhu cầu vốn nhà nước bố trí để thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.813 tỉ đồng. Bộ GTVT dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỉ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2023 để triển khai thực hiện.
Theo Bộ GTVT, việc xử lý theo nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do lỗi chủ quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đảm bảo "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Trong trường hợp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ, nhà đầu tư cần xem xét giảm 50% tỷ suất lợi nhuận so với tỷ suất lợi nhuận trong hợp đồng dự án.
8 dự án được đề xuất xử lý cũng là các dự án BOT vướng mắc nhất đã "treo" lại nhiều năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm các dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư PPP, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành đột phá 5.000 km cao tốc đến năm 2030, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất hạn chế.
Những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp dự án và tổ chức tín dụng, do chưa được thu phí hoặc mức thu quá thấp, không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì, thanh toán lãi vay. Hệ lụy là các khoản vay tín dụng đầu tư dự án của DN phải chuyển nhóm nợ, các ngân hàng phải trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…
Bình luận (0)