Theo lộ trình giai đoạn 2015 - 2019, phương án giá nước bình quân tại TP.HCM tăng 10,5%/năm, nghĩa là trong 5 năm tới sẽ tăng 52,5% so với hiện nay.
Mỗi năm tăng 10,5%
Tại hội nghị chuyên đề phương án điều chỉnh giá nước sạch theo lộ trình giai đoạn 2015 - 2019, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) VN TP.HCM tổ chức vào chiều 20.1, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết đã phối hợp với Viện Nghiên cứu - Phát triển TP xây dựng phương án giá nước và lộ trình thực hiện từ năm 2014 - 2018. Trong quá trình thẩm định, Sở Tài chính TP đã có một số điều chỉnh, hợp lý hóa một số chi phí, mức tăng giá nước bình quân là 10,5%/năm.
Ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng Sawaco, cho biết lộ trình giá nước đã được xây dựng nhưng nếu áp dụng sẽ dẫn đến giá nước năm 2015 biến động tăng cao (do giá nước năm 2014 vẫn được áp dụng theo đơn giá năm 2013, bình quân là 8.864 đồng/m3). Do đó, liên sở Tài chính - GT-VT - NN-PTNT, Xây dựng - LĐ-TB-XH TP đã thống nhất dịch chuyển lộ trình giá nước 2014 - 2018 sang lộ trình giá nước 2015 - 2019, nghĩa là giá nước bắt đầu điều chỉnh từ năm 2015 bằng với giá nước được xác định năm 2014 trong lộ trình 2014 - 2018.
Ông Quang cho hay, lộ trình giá nước mới có thêm mức giá cho hộ nghèo, với mức giá nước sinh hoạt trong định mức (4m3/người/tháng) năm 2015 không tăng so với giá năm 2014 và những năm tiếp theo luôn thấp hơn mức giá nước sinh hoạt của các hộ dân cư. Hộ nghèo (thường trú và tạm trú KT3) là những hộ dân có mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống.
Thất thoát nước trên 30%
Ông Trần Thiện Tứ, Ủy viên UBMTTQ VN TP.HCM, đặt vấn đề tỷ lệ thất thoát nước rất đáng lo. Quản lý kiểu gì mà từ đó tới giờ vẫn còn thất thoát nước trên 30%? Cũng đề cập đến chuyện này, luật sư Trương Thị Hòa nói, nếu như chúng ta quan tâm kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước nhiều hơn, phấn đấu trong năm 2015 là 31% và đến năm 2020 là 25%, thì người dân sẽ đỡ bị tăng giá nước, vì tỷ lệ thất thoát đó được tính trong giá thành. Ông Châu Minh Tỷ, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM, nói xem qua báo cáo, ông thấy tỷ lệ thất thoát nước, chi phí điều hành, theo lộ trình giảm dần nhưng giá nước thì lại tăng lên, cần phải được giải thích rõ. Tăng giá nước nhưng chất lượng nước có tăng lên không, chừng nào có thể uống trực tiếp tại vòi như tại nhiều nước?
Bà Trương Thị Hòa cho rằng, lộ trình giá nước này không tính đến việc giảm dần sự phân biệt mức giá giữa các hộ sử dụng sinh hoạt và đơn vị sản xuất kinh doanh. Bởi vì giá nước của các đơn vị sản xuất cũng đưa vào giá sản phẩm, dịch vụ thì cuối cùng dân cũng gánh chịu. 1 năm tăng 10,5%, trong 5 năm tăng 52,5% rồi còn gì.
Ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên UBMTTQ VN TP.HCM đặt vấn đề, hiện nay tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp nói riêng và đời sống của người dân nói chung không tốt hơn các năm trước. Do đó việc tăng giá nước cần phải tính toán ở thời điểm nào nên làm và mức tăng đối với từng đối tượng sử dụng nước ra sao, để cho người dân có thể chấp nhận và doanh nghiệp có thể vượt qua được trong tình hình khó khăn, ít nhất là trong những năm đầu của lộ trình mới này, đặc biệt trong năm 2015.
Đại diện UBMTTQ VN Q.2, ông Nguyễn Văn Rớt cho rằng, người dân rất lo lắng khi xăng dầu giảm nhưng các mặt hàng khác không giảm, giờ tăng giá nước, chuẩn bị tăng giá điện, rồi còn thêm các khoản phí khác... Ông đề nghị tính toán tăng ở mức nào đó để thấy có trách nhiệm với dân, để người dân đồng thuận.
Các mức giá nước được xây dựng theo đối tượng sử dụng nước trong lộ trình 2015 - 2019
|
Bình luận (0)