5 nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư phổi

26/05/2019 09:06 GMT+7

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào trong phổi bắt đầu tăng sinh không thể kiểm soát nổi.

Các tế bào ung thư này xuất phát từ phổi lan đến các hạch xung quanh khí quản, đến xương, gan, não và tất cả các bộ phận trong cơ thể.
Hút thuốc là thủ phạm đầu tiên gây ung thư phổi và nhiều người vẫn nghĩ chỉ những ai hút thuốc mới mắc ung thư phổi.
Nhưng sự thật không phải vậy, còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng là những nguyên nhân gây ra căn bệnh chết người này.
Nó thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu, mà chỉ âm thầm tàn phá sức khỏe mà người bệnh không hề hay biết.
Cho đến khi có những dấu hiệu như sút cân, mệt mỏi, ho dai dẳng, khó thở, đau ngực, khàn giọng, đau xương, nhức đầu, ho ra máu… thì lúc đó bệnh đã qua giai đoạn tiến triển và đã trở nên khó điều trị.
Chính vì vậy, biết được các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư phổi là rất quan trọng. Nó giúp những người có liên quan đến các yếu tố nguy cơ này cảnh giác và thường xuyên thăm khám để phát hiện sớm. Vì chẩn đoán sớm căn bệnh này có thể cứu sống được bệnh nhân, theo The Health Site.
Vậy để ngăn ngừa ung thư phổi, bạn hãy kiểm tra các yếu tố nguy cơ sau thật cẩn thận nhé!

1. Hút thuốc

Nguy cơ ung thư phổi tăng theo lượng thuốc lá hút mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra 70% các trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cho biết một người nghiện thuốc lá trước năm 15 tuổi có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 4 lần so với người hút thuốc trễ hơn 10 năm, tức là sau 25 tuổi.
Một nghiên cứu mới đây còn nhận thấy việc bỏ hút thuốc trên 10 năm, sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi từ 30 - 50%.
Khói thuốc lá chứa khoảng 40 chất gây ung thư như nicotin, acetone, oxide carbon, arsen, benzene, hydrogen cyanide, formaldehyde, ammonia…

2. Hít phải khói thuốc lá

Những người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với việc hút thuốc thụ động cũng có thể bị tác hại đến phổi và có thể bị ung thư phổi.
Một khảo sát của Mỹ nhận thấy những người sống chung với người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao hơn từ 20 - 30%.

3. Uống nước nhiễm arsen

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, nước uống có chứa arsen có thể gây ung thư phổi.
Nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp, thuốc phun hoa quả, và các chất phụ gia là các đầu mối chính gây ô nhiễm arsen vào nguồn nước ngầm.
Chính vì thế, những người sử dụng nước từ giếng khoan có nguy cơ uống nước nhiễm arsen cao nhất, theo The Health Site.

4. Tiếp xúc với amiăng

Thông thường, những người làm việc trong các khu mỏ bị phơi nhiễm với amiăng, đó là chất gây ung thư. Chúng có khả năng gây ung thư phổi.
Amiăng nguy hiểm khi ở dạng bụi, chủ yếu ở khâu khai thác, sản xuất và vận chuyển cũng như chế biến. Các công việc phát sinh bụi amiăng trong sản xuất gồm các công đoạn nổ mìn, khoan, nghiền, trộn, xé bao… hay trong xây dựng như khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm vật liệu có chứa amiăng như tấm lợp…
Bụi amiăng là tác nhân gây ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính, tràn dịch màng phổi. Bụi amiăng vào phổi gây tổn thương lâu dài, tạo ra khối u, biến đổi thành khối u ác tính.
Người hít phải bụi amiăng thường phát bệnh sau 20 - 30 năm.

5. Tiền sử gia đình

Người có cha mẹ, anh chị em, hoặc con bị ung thư phổi cũng có thể mắc bệnh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.