Việc hiểu rõ về các hoạt động thần kinh trong bộ não trẻ sơ sinh thường gây nhiều khó khăn vì trẻ không thể nói chính xác những gì mình cảm thấy như người trưởng thành.
Trẻ sơ sinh cảm thấy đau giống người lớn - Ảnh: Shutterstock |
Mặc dù vậy, dựa trên những biểu hiện về hành vi và hình ảnh quét cộng hưởng từ não, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số điều quan trọng về hoạt động não bộ ở trẻ sơ sinh, theo Medical Daily.
Trẻ sơ sinh cảm thấy đau giống người lớn
Đây có thể là một giả định hiển nhiên trong y khoa ngày nay, nhưng thực tế trước năm 1987 nhiều chuyên gia y tế tin rằng trẻ sơ sinh không cảm thấy đau đớn, hoặc nếu có thì cũng ở mức độ rất thấp.
Trong năm 2015, một nhóm nghiên cứu của tiến sĩ khoa Nhi Rebeccah Slater tại Đại học Oxford đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ fMRI quét chức năng não để so sánh mức độ hoạt động não trẻ sơ sinh và người lớn khi trong cùng một cường độ kích thích gây đau. Kết quả cho thấy 18 trong số 20 vùng đau trong não người lớn hoạt động tương tự như ở trẻ sơ sinh.
Tình yêu của người mẹ giúp trẻ giảm đau
Một thí nghiệm từ Đại học New York trên chuột sơ sinh cho thấy, có khoảng vài trăm gien cùng hoạt động khi chuột sơ sinh bị đau, nhưng với sự hiện diện của chuột mẹ, chỉ còn ít hơn 100 gien biểu hiện cơn đau.
Nghiên cứu cao cấp về thần kinh học tiến sĩ Regina Sullivan cũng đồng ý rằng sự chăm sóc, an ủi của người mẹ có thể tác động đến hoạt động não giúp làm dịu cơn đau ở trẻ. Không những thế, điều này còn đóng vai trò quan trọng đến các phản ứng hành vi và quá trình phát triển não ở trẻ sau này.
Tranh cãi của người lớn ảnh hưởng đến não trẻ
Nhiều người thường nghĩ trẻ sơ sinh không hiểu được những gì người lớn nói. Nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy bộ não trẻ sơ sinh rất nhạy trong việc phân biệt các loại âm thanh và phản ứng nhanh với môi trường, hoàn cảnh mới. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, việc tiếp xúc với những căng thẳng, tức giận từ người lớn ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển não ở trẻ.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oregon đã tiếp xúc với 20 trẻ sơ sinh để quét hình ảnh não và thấy rằng những trẻ mà cha mẹ thường hay cãi nhau có phản ứng mạnh mẽ hơn với tông màu biểu hiện cho sự giận dữ như màu đỏ do hoạt động mạnh ở các vùng não như đồi thị, vùng dưới đồi, vỏ não.
Trẻ nhận biết nhanh biểu hiện của người lớn
Viện tâm lý học và Đại học Uppsala ở Stockholm (Thụy Điển) đã phát triển một thí nghiệm để đánh giá về tầm nhìn của trẻ sơ sinh dựa trên những hình ảnh động khuôn mặt người. Nghiên cứu cũng sử dụng cả hình ảnh quét fMRI để kiểm tra chức năng thị giác ở vỏ não của trẻ.
Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh, thậm chí chỉ từ 2-3 ngày tuổi, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa những biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt người mẹ ở cự ly gần.
Trò chơi mang tính bất ngờ kích thích não trẻ
Một nghiên cứu mới đây từ Đại học Johns Hopkins cho thấy không phải ngẫu nhiên mà trẻ thích trò ú òa. Những trò chơi mang tính bất ngờ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển não bộ và kinh nghiệm học tập ở trẻ.
“Trẻ luôn có khả năng tò mò, quan sát và học hỏi cao. Khi chúng nhìn thấy thứ gì đó khiến mình ngạc nhiên, các vùng não cũng sẽ tăng khả năng hoạt động lên mức đỉnh điểm và hành vi học tập được cải thiện đáng kể”, tác giả chính của nghiên cứu tiến sĩ Aimee Stahl cho biết.
Bình luận (0)