5 phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai với TP.HCM

13/01/2022 12:44 GMT+7

Có tất cả 5 phương án xây cầu Cát Lái được đơn vị tư vấn đưa ra để Đồng Nai và TP.HCM lựa chọn.

Liên quan đến câu chuyện xây cầu Cát Lái nối H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP.Thủ Đức (TP.HCM), sáng 13.1, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết có tất cả 5 phương án được đơn vị tư vấn đưa ra để cơ quan chức năng lựa chọn.

Cầu Cát Lái nối Đồng Nai với TP.HCM được xây như thế nào?

Phà Cát Lái bờ Đồng Nai, hướng bên kia là cảng Cát Lái của TP.HCM

LÊ LÂM

Cụ thể, phương án 1, dài 11,76 km, trong đó chiều dài cầu 3,1 km. Bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy trên đường Vành đai 2 của TP.HCM, đi dọc đường Nguyễn Thị Định rồi vượt sông Đồng Nai hướng về tỉnh lộ 25B của Đồng Nai.

Phương án 2, dài 10,68 km, phần cầu 3,56 km. Bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2 tại vị trí cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1 km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km. Ở phương án này, cầu đi dọc rạch Kỳ Hà và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch), sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 3, dài 12,4 km, phần cầu dài 3,12 km. Bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2 tại vị trí cách cầu Ba Cua khoảng 300 m, đi thẳng vào cổng C của cảng Cát Lái rồi vượt sông Đồng Nai đến xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng vào tỉnh lộ 25B và kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Còn phương án 4 và 5 thì vị trí cầu không còn nằm gần Cát Lái thuộc TP.Thủ Đức nữa mà dịch về Q7.

5 phương án xây dựng cầu Cát Lái được đơn vị tư vấn đưa ra theo ý kiến của 2 địa phương

LÊ LÂM

Trong đó phương án 4, dài 13,71 km, phần cầu dài 3,5 km. Điểm nằm trên tuyến đường trục Bắc Nam, vượt Rạch Đĩa cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng, đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt qua Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, xã Phú Đông (H.Nhơn Trạch), kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 5, dài 13 km, phần cầu dài 3,5 km. Điểm đầu cũng nằm trên tuyến đường trục Bắc Nam, vượt Rạch Đĩa, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè rồi vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, xã Phú Đông (H.Nhơn Trạch), kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chính phủ giao Đồng Nai chủ trì xây dựng

Tháng 8.2019, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái, trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai với UBND TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.

Trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận bổ sung Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái vào Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GTVT.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT Đồng Nai đã đưa ra nhiều phương án hướng tuyến cầu, rồi cùng Sở GTVT TP.HCM họp bàn nhưng đến nay hai bên chưa thống nhất được.

Người dân 2 bên đang trông ngóng có một cây cầu để đi lại thuận tiện hơn

LÊ LÂM

Tại cuộc họp mới nhất giữa Đồng Nai và TP.HCM vào giữa tháng 12.2021, lãnh đạo 2 Sở GTVT đã thống nhất không tiếp tục nghiên cứu phương án 3 và 5 do 2 phương án này ảnh hưởng đến quy hoạch đã được phê duyệt và các công trình có tính chất quan trọng đã hoạt động như cảng Cát Lái, Tổng kho xăng dầu kho B.

Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, nếu được TP.HCM thống nhất hướng tuyến mới, Đồng Nai sẽ nhanh chóng lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn nhà đầu tư, và có thể khởi công dự án cầu Cát Lái vào 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.