Bắt đầu từ năm 2020, việc học, thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) ô tô các hạng tại Việt Nam chính thức áp dụng những quy định mới theo nội dung tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 về việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
|
Theo đó, ngoài việc bổ sung công nghệ mới nhằm giám sát, đào tạo học viên, các Trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX sẽ áp dụng thêm các môn học mới, tăng độ khó cho các bài thi lý thuyết cũng như thực hành. Dưới đây là 5 quy định mới về việc học, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô tại Việt Nam từ năm 2020 mà những học viên tham gia học, thi lấy GPLX cần biết:
1. Bổ sung thêm các môn học mới
Bên cạnh các môn học về cấu tạo sửa chữa ô tô, nghiệp vụ vận tải, Kỹ thuật lái xe… Bắt đầu từ năm 2020, theo quy định tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, các học viên học lái xe sẽ phải học thêm các môn Đạo đức, Văn hoá giao thông và Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Thời lượng học ít nhất được quy định với loại bằng B1 là 14 giờ, bằng B2, C là 20 giờ.
|
Những môn học mới được bổ sung sẽ góp phần giúp học viên thấy nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.
2. Sử dụng thiết bị mô phỏng trong việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX
Trước đây, học viên học lái xe ô tô chỉ học lý thuyết và thực hành… sau đó tham gia thi sát hạch để được cấp GPLX. Tuy nhiên với quy định mới, bắt đầu từ năm 2020 ngoài phần lý thuyết, thực hành, các học viên sẽ được học thêm các nội dung mới trên thiết bị mô phỏng đào tạo lái xe. Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, thiết bị này bao gồm: hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái xe ô tô.
|
Việc thi sát hạch của học viên theo đó cũng được bổ sung thêm phần thi thực hành trên thiết bị mô phỏng các tình huống giao thông. Trình tự thi sát hạch gồm phần thi lý thuyết, lái xe bằng phần mềm mô phỏng, lái xe trên sa hình thực tế và lái xe trên đường trường.
3. Tăng cường giám sát học viên tham gia khóa đào tạo lái xe ô tô
Theo quy định mới, từ năm 2020 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị, duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Bên cạnh đó, từ ngày 1.5.2020 các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát và nhận dạng học viên trong thời gian học lý thuyết. Điều này có nghĩa là học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch.
4. Lắp camera giám sát các bài thi sát hạch cấp GPLX
Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, việc thi lý thuyết cũng như thực hành của các học viên sẽ được gắn camera giám sát để truyền trực tiếp hình ảnh thông tin về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Điều này nhằm mục đích giúp các cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể giám sát quá trình sát hạch cấp GPLX.
|
Theo đó, các trung tâm thi sát hạch cấp GPLX sẽ được lắp hệ thống camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài thi: xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc. Hệ thống sử dụng camera IP, có độ phân giải HD trở lên, có giao diện tương tác, kết nối đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn mở ONVIF, được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình. Đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ
5. Tăng số lượng câu hỏi lý thuyết thi sát hạch cấp GPLX
Từ năm 2020, số lượng câu hỏi trong một đề sát hạch cấp GPLX cũng sẽ được tăng thêm từ 450 câu lên thành 600 câu.
Các bài thi hạng B2, C, D, E, F cũng sẽ được thay đổi. Trong tổng cộng 600 câu hỏi của bộ đề thi sẽ có 100 câu mang tính cơ bản, cốt lõi mà người lái xe phải hiểu, nhớ và luôn thực hiện đúng trong suốt quá trình lái xe để tham gia giao thông an toàn.
Bình luận (0)