5 triệu hộ kinh doanh sẽ 'đi về đâu'?

21/05/2020 11:14 GMT+7

Số phận của 5 triệu hộ kinh doanh vẫn chưa được quyết định, khi đa số đại biểu đều nhất trí không đưa vào luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14.

Sáng 21.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về luật Doanh nghiệp sửa đổi. Dự thảo này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp trước, trong đó, nội dung chủ yếu xoay quanh việc đưa hay không đưa các hộ kinh doanh vào trong luật.
Báo cáo tiếp thu giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề này có 2 nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, vì luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Lý do, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp, vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật Doanh nghiệp.
Một lý do khác, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh…
Bên cạnh đó, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn (5 triệu hộ). Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh sẽ chờ một luật riêng vào kỳ họp Quốc hội sau

Ảnh Ngọc Thắng

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với lựa chọn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) góp ý: “Trong 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ có 1,7 triệu hộ nộp thuế. Đối tượng rất lớn nên cần có luật riêng điều chỉnh. Còn quy định tại dự thảo luật này thiếu nhiều điều cần thiết, an toàn, quyền, lợi ích, hình thức và cách thức hoạt động hộ kinh doanh… Chúng ta cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng đề nghị cần ban hành luật riêng để thể chế hoá, trao cho các hộ kinh doanh địa vị pháp lý rõ ràng, hoạt động công khai, minh bạch hơn…
Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung 1 chương riêng về hộ kinh doanh, trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình quy định tại luật Hôn nhân và gia đình đăng ký thành lập.
Trường hợp các thành viên gia đình thành lập hộ kinh doanh thì phải ủy quyền cho 1 thành viên gia đình đăng ký hộ kinh doanh. 
Về quyền, nghĩa vụ, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do 1 cá nhân thành lập. Chủ hộ kinh doanh và các thành viên gia đình liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản chung của các thành viên gia đình tham gia thành lập hộ đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên gia đình thành lập…
Chủ hộ kinh doanh có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.