Vai trò trung tâm của ASEAN trong chính sách của Úc
Hội nghị cấp cao đặc biệt diễn ra từ ngày 4 - 6.3 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chung của Úc với khu vực. Dấu mốc thể hiện cam kết của Úc trong việc tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Đây là lần thứ hai Úc tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc lần đầu tiên diễn ra vào năm 2018.
Hội nghị cấp cao đặc biệt sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chủ chốt: kinh doanh, lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, hợp tác hàng hải.
Diễn đàn CEO doanh nghiệp sẽ quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp của Úc và Đông Nam Á, các bên liên quan trong các ngành công nghiệp và các cơ quan chính phủ để thảo luận về các cách tăng cường thương mại và đầu tư hai chiều.
Hội nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cùng với thị trường SME với sự tham gia của các chuyên gia thương mại và đầu tư để đưa ra lời khuyên cho các SME Úc đang quan tâm đến việc thực hiện hoạt động kinh doanh với khu vực Đông Nam Á.
Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Úc và ASEAN sẽ tham gia Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo mới nổi nhằm tìm cách thúc đẩy sự hiểu biết chung về những thách thức dài hạn quan trọng mà ASEAN và Úc cùng đối mặt, đồng thời xác định các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác xa hơn nữa.
Diễn đàn khí hậu và năng lượng sạch sẽ quy tụ các đại diện ASEAN và Úc của các chính phủ, giới học giả, chuyên gia và khu vực tư nhân để thúc đẩy việc trao đổi ý tưởng và xem xét các cơ hội nhằm tiếp tục quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn khu vực.
Đề cập tới tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Úc, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: Hội nghị lần này được kỳ vọng là một dịp tốt để lãnh đạo cấp cao ASEAN và Úc cùng nhìn lại, đánh giá một cách tổng thể quan hệ giữa hai bên trong 50 năm qua, đặc biệt là quá trình triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Úc được thiết lập từ năm 2021 đến nay.
"Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi, đề ra tầm nhìn, những phương hướng và biện pháp cụ thể để mở rộng hợp tác trong thời gian tới. Dự kiến, hai bên, đặc biệt là phía Úc, sẽ trao đổi và đề xuất những sáng kiến hợp tác mới. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sáng kiến mang tính đột phá, góp phần tạo thêm nguồn lực và cơ sở để quan hệ ASEAN - Úc phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", ông Việt nói.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski chia sẻ ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng lớn thứ 2 của Úc, thậm chí còn lớn hơn cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vai trò trung tâm của ASEAN. Hiện tại, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chính sách chiến lược khu vực của Úc.
Tính theo bình quân đầu người, Úc là đối tác phát triển lớn nhất của ASEAN. Sự hợp tác này bao gồm việc hỗ trợ các dự án do ASEAN dẫn dắt nhằm giải quyết những thách thức phức tạp trong khu vực, chẳng hạn như việc xây dựng Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon.
5 lĩnh vực trọng tâm thúc đẩy quan hệ Việt - Úc
Theo Đại sứ Andrew Goledzinowski, các lĩnh vực trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc năm 2024 cũng phản ánh những ưu tiên chung trong mối quan hệ Úc - Việt Nam. Theo đó, Hội nghị cấp cao cũng mang đến những cơ hội đặc biệt để làm nổi bật giao lưu nhân dân. Úc và Việt Nam kết nối với nhau thông qua sự gắn bó giữa con người và gia đình. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ tư ở Úc, Úc có hơn 350.000 người gốc Việt, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của Úc.
Chia sẻ về các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết mối quan hệ song phương Việt - Úc phát triển trên mọi lĩnh vực, nhưng có 5 lĩnh vực hợp tác đặc biệt sẽ là trọng tâm chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thứ nhất là tăng cường hợp tác về chính trị và chiến lược. Việt Nam và Úc chia sẻ nhiều quan điểm rất giống nhau, như tự cường trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ khu vực tự do và cởi mở. Đại sứ cho biết Việt Nam luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ độc lập, chủ quyền và pháp quyền. Đó là những lợi ích chung mà hai nước chia sẻ.
Thứ hai là hợp tác kinh tế và thương mại. Theo đó, phía Úc sẽ triển khai một chính sách kinh tế mới dành cho Việt Nam mà hai Thủ tướng sẽ quyết định trong hội đàm chính thức dự kiến diễn ra vào ngày 7.3. Chính sách này kỳ vọng sẽ thu hút thêm đầu tư của Úc vào Việt Nam.
Thứ ba là hợp tác giáo dục, Úc vốn là đối tác quan trọng của Việt Nam và còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự một hội nghị bàn tròn về giáo dục ở thủ đô Canberra, thu hút sự tham gia của tất cả các trường đại học lớn của Úc.
Thứ tư là chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Albanese đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu USD hợp tác với Việt Nam để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi quan trọng này trong chuyến thăm tới Việt Nam vào năm ngoái. Cũng trong năm 2023, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Úc Penny Wong tới Việt Nam, phía Úc cũng công bố khoản tiền bổ sung trị giá 95 triệu USD nhằm tăng cường thích ứng với khí hậu ở khu vực sông Mê Kông.
Thứ năm là hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ kiến thức, đổi mới sáng tạo và khoa học.
Bên cạnh 5 lĩnh vực hợp tác đặc biệt nêu trên, Đại sứ Andrew Goledzinowski cũng cho rằng, hai nước có nhiều dư địa hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh và giảm phát thải. Cả hai quốc gia đều cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cần tăng cường hợp tác để đạt mục tiêu đó.
Ngoài nhấn mạnh các mục tiêu thương mại, thúc đẩy đầu tư, điểm nhấn đặc biệt trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là mở rộng hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó có đào tạo nghề; mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng những động lực mới hiện nay, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam và Úc sẽ hướng tới việc đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt
Úc là một trong những đối tác song phương cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013 - 2019 và 78,9 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2020 - 2022). Tháng 10.2022, Úc tăng 18% ODA cho Việt Nam, lên mức 92,8 triệu AUD năm 2022 - 2023. Tháng 5.2023, tiếp tục tăng thêm 2,5% lên mức 95,1 triệu AUD. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Úc đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỉ AUD.
Úc đầu tư 64 triệu AUD cho an ninh hàng hải ASEAN
Hôm qua (4.3), Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết chính quyền Canberra sẽ đầu tư 64 triệu AUD (41,73 triệu USD) cho thỏa thuận an ninh hàng hải với các nước ASEAN trong vòng 4 năm tới.
Thông báo trên của Ngoại trưởng Wong được đưa ra tại buổi khai mạc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc tại thành phố Melbourne ngày 4.3, theo Reuters. Kéo dài đến ngày 6.3, hội nghị đánh dấu 50 năm Úc trở thành Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN vào năm 1974.
Thụy Miên
Bình luận (0)