5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes GLC thế hệ mới tại Việt Nam

26/08/2023 19:21 GMT+7

Cải tiến về khung gầm, động cơ, hệ thống treo… giúp Mercedes-Benz GLC thế hệ mới phát huy những ưu điểm khi vận hành trên nhiều địa hình khác nhau, tuy nhiên mẫu SUV này vẫn tồn tại một số hạn chế khiến người dùng không thật sự thoải mái khi di chuyển đường dài.

Sau gần 7 năm chinh chiến thị trường xe sang với nhiều lần cải tiến, nâng cấp. Trung tuần tháng 5.2023 khi cuộc đua tranh ở phân khúc SUV 5 chỗ hạng sang tại Việt Nam ngày càng khốc liệt với Volvo XC60, Lexus NX được làm mới, BMW X3 chuyển sang lắp ráp trong nước… Hãng xe Đức cũng trình làng Mercedes-Benz GLC thế hệ thứ 2 mang mã X254. Xe tiếp tục lắp ráp tại nhà máy của hãng tại Việt Nam với 2 phiên bản GLC 300 4Matic và GLC 200 4Matic lắp ráp trong nước.

Được thử thách trong chuyến trải nghiệm hàng trăm km từ TP.HCM đến Bình Thuận, vượt qua nhiều cung đường, địa hình khác nhau từ đô thị, cao tốc cho đến đồi cát… Mercedes-Benz GLC đã phần nào bộc lộ những ưu điểm cũng như hạn chế từ thiết kế cho đến vận hành.

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Mercedes-Benz GLC có 2 phiên bản GLC 300 4Matic và GLC 200 4Matic lắp ráp tại Việt Nam

Ở thế hệ mới, Mercedes-Benz GLC đã được hãng xe Đức làm mới gần như toàn diện từ kiểu dáng thiết kế, công nghệ cho đến hệ thống treo, khung gầm, động cơ. Tùy vào quan điểm thẩm mỹ, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về mẫu xe này. Trong khi đó, nếu đã cầm lái trải nghiệm Mercedes-Benz GLC, mới thấy được mẫu xe này có khá nhiều cái hay so với thế hệ trước đây và xứng đáng nhận được nhiều lời khen.

Ưu điểm

Động cơ mạnh mẽ, phản ứng nhanh nhạy

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Đầu tiên phải thừa nhận rằng, động cơ I4 dung tích 2.0 lít tăng áp kết hợp công nghệ 48V mild-hybrid và máy phát khởi động tích hợp (Integrated starter-generator - ISG) thế hệ thứ hai đã giúp Mercedes-Benz GLC cải thiện đáng kể về sức mạnh, độ nhanh nhạy và khả năng vận hành so với đời cũ. Động cơ I4, 2.0 lít tăng áp trên bản GLC 200 4Matic (công suất 204 mã lực, mô-men xoắn cực đại 320 Nm) cũng như trên GLC 300 4Matic (công suất 258 mã lực, mô-men xoắn cực đại 400 Nm) khởi động êm và phản ứng nhanh nhạy với thay đổi của chân ga. Trên cao tốc, GLC 200 4Matic chỉ mất tầm 8 giây để tăng tốc từ 0 - 100 km/giờ, trong khi GLC 300 4Matic mất chưa tới 6,5 giây. Trên nhiều cung đường khác nhau, động cơ này tiêu hao khoảng 8 lít/100 km.

Cách âm tốt

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 3.

Mercedes-Benz GLC thế hệ mới (X254) đã được cải thiện đáng kể về khả năng cách âm so với thế hệ trước đây. Khoang lái khá yên tĩnh, tiếng vọng từ động cơ, các bánh xe vào cabin thật sự không đáng kể. Độ ồn đo được trong cabin Mercedes-Benz GLC thế hệ mới chỉ 68 dB trong trạng thái tĩnh và 78 dB trong trạng thái hoạt động. Điều này có được nhờ vào việc kết hợp nhiều yếu tố như: bổ sung màng lọc cách âm ở bên trong kính chắn gió phía trước, công nghệ bơm bọt cách âm ở khung gầm xe, các chi tiết trên xe được kết nối bởi những vật liệu cách âm cao cấp và tăng cường tỉ lệ thép cường độ cao, theo hãng xe Đức.

Vô lăng phản ứng nhạy, chính xác

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 4.

Dù trên địa hình đồi cát, trong các khu đô thị đông đúc hay khi lưu thông với tốc độ cao trên cao tốc… vô lăng trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới vẫn cho cảm giác đánh lái nhẹ nhàng nhưng rất nhạy và chính xác, khắc phục được cảm giác hơi chòng chành trên vô lăng của thế hệ cũ.

Vận hành êm ái, thích nghi tốt với nhiều dạng địa hình

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 5.

Một điểm không chỉ người lái mà những người ngồi trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới đều dễ nhận thấy chính là chiếc SUV đời mới này vận hành êm ái hơn rất nhiều so với thế hệ trước đây. Vẫn mang ngoại hình của chiếc Mercedes-Benz GLC, nhưng sự thay đổi, cải tiến về hệ thống treo, khung gầm và thiết kế khí động học mang đến cảm giác hoàn toàn khác biệt khi ngồi trong xe trải nghiệm qua nhiều cung đường khác nhau. Được biết, Mercedes-Benz GLC thế hệ mới không còn sử dụng phuộc hơi như thế hệ trước, thay vào đó cả hai phiên bản thuộc thế hệ mới đều trang bị hệ thống treo 4 điểm ở phía trước và đa điểm phía sau. Hệ số cản không khí (Cd) cũng chỉ ở mức 0,29, thấp hơn 2% so với thế hệ trước (Cd là 0,31). Chính điều này, kết hợp với các chế độ lái đa dạng giúp Mercedes-Benz GLC thế hệ mới thích nghi tốt với nhiều dạng địa hình. Ngay cả những khu vực đồi cát phức tạp ở Mũi Né, Phan Thiết cũng không phải là thách thức quá lớn với Mercedes-Benz GLC mới khi xe có sẵn chế độ lái off-road, hệ thống dẫn động 4 bánh 4Matic, hệ thống kiểm soát tốc độ xuống dốc DSR (Downhill Speed Regulation) và công nghệ Transparent Bonnet cho phép giả lập lại không gian xung quanh thông qua hệ thống camera 360 độ giúp người lái quan sát dễ dàng hơn.

Nhiều trang bị tiện nghi an toàn, khoang hành khách, hành lý rộng rãi

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 6.

Không chỉ người lái mà cả những ai ngồi trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới suốt hành trình dài cũng cảm thấy an tâm và không còn nhàm chán như trước. Xe trang bị một loạt tính năng mới như màn hình cảm ứng 11,9 inch, kết hợp hệ thống thông tin giải trí MBUX thế hệ thứ 2, vô lăng tích hợp thêm nhiều nút chức năng. Đáng chú ý, GLC mới được Mercedes-Benz bổ sung công nghệ an toàn chủ động của gói Driving Assitance Plus như hỗ trợ giữ khoảng cách Distronic, hỗ trợ phanh phòng ngừa va chạm, hỗ trợ giữ làn đường chủ động, hệ thống bảo vệ chủ động Pre-Safe… Không gian hàng ghế thứ 2 và khoang hành lý cũng rộng rãi, thoải mái hơn khi kích thước xe gia tăng và khoang hành lý tăng thêm 70,7 lít, lên mức 620 lít

Hạn chế

Tính năng hỗ trợ phanh chủ động quá nhạy dễ khiến người lái giật mình

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 7.

Mercedes-Benz GLC thế hệ mới được hãng xe Đức trang bị hệ thống hỗ trợ tránh va chạm, trong đó có tính năng hỗ trợ phanh chủ động. Tính năng này sẽ tự động mở khi khởi động xe, có chức năng phát hiện các phương tiện phía trước và sau xe sau đó hỗ trợ phanh để tránh nguy cơ xảy ra va chạm. Về cơ bản tính năng này thật sự hiệu quả trong những tình huống tài xế lơ là, mất tập trung. Tuy nhiên, do được thiết lập quá nhanh nhạy, nên trong nhiều tình huống đặc biệt khi lưu thông trong nội đô, tính năng hỗ trợ phanh chủ động khiến người lái cũng như ngồi trong xe bị giật mình khi xe phanh gấp. Thực tế, Mercedes-Benz cũng tính toán cho người dùng lựa chọn nhiều cấp độ khác nhau trong tính năng hỗ trợ phanh chủ động, tuy nhiên với những tay lái mới, rất dễ giật mình.

Thiết kế bảng táp-lô lớn khiến khoảng để chân hàng ghế trước chưa thật sự thoải mái

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 8.

Trên cả hai phiên bản Mercedes-Benz GLC thế hệ mới, bảng táp-lô thiết kế mới, tạo cảm giác bề thế, sang trọng hơn. Tuy nhiên, cách thiết kế vuốt cong từ khu vực bệ trung tâm ra hai bên cùng với kích thước bề mặt táp-lô lớn khiến không gian để chân cho người lái và hành khách phía trước bị hạn chế, tạo cảm giác chật chội khi xe chở đủ 4 người.

Hàng ghế trước thiết kế hơi cấn, chưa được thoải mái

5 ưu điểm, 3 hạn chế trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới tại Việt Nam - Ảnh 9.

Ghế thể thao dành cho người lái và hành khách phía trước trên Mercedes-Benz GLC thế hệ mới được bọc da, ôm sát người. Tuy nhiên, chất liệu da hơi cứng và hai bên thành ghế vuốt cao, hơi cong về phía trước khiến người lái cảm thấy cấn tay và chưa được thoải mái.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.