Bánh ngọt, nước ngọt có gas, sô cô la sữa hay trà sữa đều là những món ưa thích của nhiều người. Sẽ không có vấn đề gì nếu thỉnh thoảng chúng ta thưởng thức các món này. Nhưng nếu ăn hay uống chúng thường xuyên, thậm chí mỗi ngày thì sẽ khiến cơ thể nạp lượng đường lớn vượt quá mức cần thiết, theo tạp chí Eating Well (Mỹ).
Tăng cân
Đường và tăng cân có liên quan trực tiếp với nhau. Các loại đồ uống có đường như soda chứa nhiều fructose, một loại đường đơn giản làm tăng cảm giác thèm ăn.
Không những vậy, nạp quá nhiều đường fructose sẽ làm tăng tích trữ mỡ nội tạng. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường.
Tăng nguy cơ bệnh tim
Chế độ ăn nhiều đường liên quan đến rất nhiều bệnh. Một trong số đó là bệnh tim. Vì nạp quá nhiều đường sẽ làm thặng dư calo. Cơ thể lưu trữ lượng calo này dưới dạng mỡ thừa, qua thời gian sẽ gây thừa cân, béo phì.
Cân nặng quá khổ sẽ tăng nguy cơ huyết áp cao. Đường cũng khiến cơ thể dễ bị viêm nhiễm hơn. Tất cả yếu tố này đều khiến người mắc tiến gần đến bệnh tim.
Mụn trứng cá
Các món nhiều đường khi ăn vào sẽ khiến đường huyết tăng cao. Hệ quả là làm nồng độ insulin trong máu tăng lên, dẫn đến cơ thể tăng tiết hoóc môn androgen. Loại hoóc môn này nếu quá nhiều sẽ gây mụn trứng cá.
Dễ bị tiểu đường loại 2
Từ lâu khoa học đã biết ăn quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường loại 2. Nạp đường với số lượng lớn sẽ dẫn đến tăng cân và tăng tỷ lệ mỡ. Đây là những yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ung thư
Ăn quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ ung thư tăng lên. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư thực quản.
Với những người thường xuyên ăn hay uống đồ ngọt thì điều chỉnh và kiểm soát lượng đường trong khẩu phần hằng ngày là rất quan trọng. Ăn uống cân bằng kết hợp với tập luyện thể thao không chỉ tăng cường sức khỏe, cải thiện chất lượng sống mà còn kéo dài tuổi thọ, theo Eating Well.
Bình luận (0)