Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 698 dự án bất động sản đang xây dựng, bằng khoảng 57,4% so với cùng kỳ 2022. Hiện cả nước cũng chỉ có 17 dự án được cấp phép mới, số lượng này chỉ bằng 43,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở sụt giảm, dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng chiếm số lượng lớn.
Những sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch thời gian qua theo Bộ Xây dựng, chủ yếu là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán trước đó. Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý 1/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý 4/2022.
Nói về các vướng mắc của thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng nhận định, có nhiều khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch đầu tư và pháp luật về nhà ở, đô thị, xây dựng. Đặc biệt, việc xác định giá thị trường là vướng mắc của hơn 50% các dự án chậm triển khai hiện nay. Không xác định được giá thị trường đã khiến dự án không thể đóng tiền sử dụng đất và triển khai được các bước tiếp theo.
Không chỉ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cũng gặp không ít khó khăn, rào cản. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp than phiền, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1 - 2 năm.
Ngoài ra, theo quy định của luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ), dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.
Bình luận (0)