Kỹ sư về hưu Ehab Fouad (64 tuổi) vẫn nhớ rõ thời khắc cách đây 50 năm, vào ngày 2.12.1971, khi ông là một thiếu niên trong đoàn diễu hành cầm trên tay tấm hình của người lập quốc Zayed bin Sultan Al Nahyan và lần đầu nhìn thấy lá quốc kỳ mới của đất nước. “Sau 50 năm, thật đặc biệt. Đó là một hành trình đáng nhớ với tôi và cũng là hành trình kỳ diệu của đất nước này”, AFP dẫn lời ông Fouad xúc động chia sẻ ngay trước ngày quốc khánh lần thứ 50 của UAE.
Khách du lịch mua sắm quà lưu niệm ở tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa |
T.Phước |
“Từ lều tranh hóa cao ốc chọc trời”
Là nhà nước liên bang được hình thành từ 7 tiểu vương quốc Abu Dhabi (thủ đô), Ajman, Dubai (thành phố lớn nhất), Fujairah, Ras Al Khaimah, Sharjah và Umm Al Quwain, UAE có bước chuyển mình mạnh mẽ mà theo AFP là từ “lều tranh hóa cao ốc chọc trời”.
UAE từng khởi đầu khiêm tốn với những túp lều, ngôi nhà làm bằng bùn gạch đơn sơ ở thuở đầu lập nước. Sự phát triển vượt bậc của UAE sau 5 thập niên gắn liền với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Trữ lượng dầu thô của nước này vào khoảng 97,8 tỉ thùng, và trữ lượng khí tự nhiên cũng đứng thứ 7 trên thế giới, theo dữ liệu tại Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi năm 2020.
Ngoài giàu lên nhờ dầu mỏ và khí đốt (với doanh thu chiếm 30% GDP), UAE cũng đa dạng hóa mô hình phát triển của mình và thu về thành tựu to lớn. Dubai từng chỉ là thị trấn trồng lê và làng chài, giờ đây nổi tiếng là trung tâm tài chính, thương mại, du lịch và giao thông hiện đại bậc nhất khu vực, với những tòa cao ốc chọc trời. Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa 830 m cũng được xây dựng ở đây.
UAE hiện là nền kinh tế giàu có thứ 2 ở vùng Vịnh, chỉ sau Ả Rập Xê Út. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), UAE là một trong những quốc gia “dễ làm ăn” nhất trên thế giới, còn nước này luôn nhấn mạnh là nền kinh tế mở nhất. UAE được ví von như thỏi nam châm thu hút đầu tư. Những năm gần đây, nước này còn nới lỏng các quy định nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. UAE đã mở rộng giới hạn về quyền sở hữu tài sản đối với người không phải công dân nước này, cho phép người nước ngoài kiểm soát hoàn toàn các dự án kinh doanh. Không những vậy, UAE còn cấp thị thực “vàng” dài hạn cho các nhà đầu tư và nhân tài là các bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Quốc gia chưa tới 10 triệu dân này có tới 90% là người nước ngoài.
Thời khắc quốc kỳ lần đầu được kéo lên, chính thức đánh dấu sự ra đời của UAE ngày 2.12.1971 |
Chụp màn hình The National News |
Cường quốc khu vực
Không chỉ giàu có, UAE giờ đây ngày càng có vị thế địa chính trị quan trọng ở Trung Đông. Ảnh hưởng chính trị của nước này ngày càng gia tăng trong khu vực, lấp vào những khoảng trống mà các cường quốc truyền thống như Ai Cập, Iraq hay Syria để lại.
Ông Elham Fakhro, nhà phân tích cấp cao về vùng Vịnh tại tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế, đánh giá: “Chính sách sau khi giành độc lập của UAE tương đối trung lập, nhưng kể từ Mùa xuân Ả Rập (năm 2011 - NV), họ đã áp dụng chính sách đối ngoại tích cực hơn nhằm định hình các sự kiện chính trong khu vực theo hướng có lợi hơn cho mình”.
Cố vấn tổng thống UAE Anwar Gargash nhấn mạnh nước này hiểu rõ mình cần đóng vai trò và trách nhiệm nhiều hơn trong việc định hướng tương lai của khu vực. Ông nói: “Chúng tôi đã có rất nhiều khoảng trống trong thập niên qua và UAE không thể khoanh tay đứng nhìn những khoảng trống này được lấp đầy bởi kẻ xấu”.
Năm 2020 là một dấu mốc rất lớn về vai trò của UAE trong định hình bàn cờ chiến lược ở Trung Đông. Bằng việc ký thỏa thuận Abraham, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, UAE đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho hòa bình khu vực. Đây được đánh giá là bước đột phá lịch sử, dẫu vẫn có những sự phản đối từ nhiều bên. Sang năm 2021, UAE tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong việc hòa giải mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
Với tầm nhìn và tham vọng vươn mình mạnh mẽ, UAE được cho là đang nỗ lực để vượt lên cả danh xưng quốc gia dầu mỏ giàu có. Tháng 8 năm nay, UAE gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” với nhà máy điện hạt nhân Barakah - đầu tiên trong thế giới Ả Rập - đi vào hoạt động. UAE cũng tham vọng trở thành một “tay chơi” lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ khi đưa phi hành gia đầu tiên của mình lên Trạm không gian quốc tế trong 8 ngày hồi năm 2019. Tháng 2 năm nay, UAE đưa tàu thăm dò mang tên Amal (nghĩa là Hy vọng) lên quỹ đạo quanh sao Hỏa và là quốc gia Ả Rập đầu tiên đạt được thành tựu này, theo AFP.
Sự phát triển của UAE được chính giới nước này tự hào bằng tinh thần không gì là không thể. Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã từng tuyên bố rằng: “Từ “không thể” không tồn tại trong từ điển của chúng tôi. Nó cũng sẽ không có trong tầm nhìn và không bao giờ là một phần trong tương lai của chúng tôi”.
Trong 50 năm ra đời và phát triển, UAE đã đạt nhiều thành tựu và ghi tên mình vào lịch sử bằng hàng loạt kỷ lục thế giới.
∞ Tòa nhà cao nhất thế giới: Burj Khalifa cao 830 m, xây dựng từ năm 2010 ở Dubai và đến nay vẫn giữ vững kỷ lục. Tòa tháp lấy cảm hứng từ Hymenocallis, một loài hoa sống ở sa mạc.
∞ Đường trượt cáp dài nhất thế giới: Với chiều dài 2.832 m, Jebel Jais Flight ở tiểu vương quốc Ras Al Khaimah của UAE chính là đường trượt cáp dài nhất thế giới tính đến thời điểm này. Jebel Jais Flight được khánh thành vào đầu năm 2018. Tốc độ trượt có thể lên đến 150 km/giờ khi người tham gia băng qua dãy núi Hajar.
∞ Bể lặn sâu nhất thế giới: Công trình này tọa lạc tại Dubai, mới khánh thành vào tháng 6 năm nay. Với độ sâu tới 60 m, Deep Dive Dubai còn được thiết kế như một thành phố thu nhỏ dưới nước để thợ lặn khám phá, thậm chí chơi các trò giải trí. Bể bơi trong nhà được thiết kế theo cấu trúc hình con hàu, dấu ấn lịch sử của UAE về nơi từng nổi tiếng với nghề lặn tìm ngọc trai.
∞ Vòng đu quay lớn nhất thế giới: Ain Dubai (nghĩa là con mắt Dubai) chính là vòng đu quay lớn nhất thế giới được mở cửa đón khách vào tháng 10 vừa qua. Ain Dubai có độ cao 250 m từ mặt đất lên đỉnh vành, có 48 toa chở người. Mỗi toa như vậy chở được 40 người và phải mất 38 phút mới có thể hoàn tất một vòng quay.
∞ Tàu lượn siêu tốc nhanh nhất: Formula Rossa được xây dựng tại công viên giải trí Ferrari World ở thủ đô Abu Dhabi, khánh thành năm 2010. Đây là tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới, được thiết kế mô phỏng việc đua xe Công thức Một, với tốc độ lên đến 240 km/giờ.
Hết hồn với xe Land Cruiser làm từ khối Lego có kích thước như thật |
Bình luận (0)