Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “AI for a Better World” (Trí tuệ nhân tạo cho một thế giới tốt đẹp hơn), do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức sáng nay 11.1, nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ SIU Prize 2025.
Hội thảo quy tụ gần 500 đại biểu quốc tế và trong và ngoài nước là các nhà cố vấn hoạch định chính sách của Liên Hiệp Quốc, của Chính phủ Việt Nam và Mỹ; lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu, bệnh viện trên thế giới.
Bên cạnh đó có đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến y tế, công nghệ, AI; thành viên các hội đồng giám khảo SIU Prize, các tiến sĩ ứng viên giải thưởng SIU Prize Computer Science; học viên ĐH và sinh viên ưu tú từ các trường ĐH tại Việt Nam.
Tâm điểm của hội thảo xoay quanh các vấn đề thời sự toàn cầu như phát triển AI an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo và chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân...
Đặc biệt, hội thảo đã thu hút gần 30 bài nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học thế giới, tập trung vào những ứng dụng đột phá của công nghệ, AI trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, công nghệ xã hội...
Từ việc ứng dụng AI vào các vấn đề cụ thể, chuyên sâu...
Có mặt tại hội thảo, giáo sư Thomas P.Kehler, Trưởng nhóm khoa học, đồng sáng lập và CEO của Crowdsmart San Francisco, Mỹ đã có bài phát biểu về "khung AI lấy cảm hứng từ vật lý và thần kinh học cho một tương lai bền vững từ các mô hình biểu tượng đến trí tuệ tập thể".
Nghiên cứu của ông Thomas P.Kehler mô tả sự phát triển của một kiến trúc AI thế hệ mới, không chỉ giảm thiểu rủi ro và tích hợp nhận thức con người mà còn có tiềm năng cách mạng hóa lĩnh vực này.
Kiến trúc mới này dựa trên các nguyên tắc cơ bản từ lĩnh vực khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý, sinh học tính toán và thần kinh học. Phiên bản đầu tiên của kiến trúc này kết hợp khoa học trí tuệ tập thể với cách tiếp cận học tập thích ứng, xây dựng các mô hình tri thức từ sự hợp tác giữa con người và các tác nhân AI.
Trong khi đó, tiến sĩ Michael Cardei và tiến sĩ Thái Trà My, bộ môn khoa học và kỹ thuật máy tính, thông tin, ĐH Florida, Mỹ đã đề cập đến các cuộc tấn công xâm nhập mạng là mối đe dọa đáng kể đối với các hệ thống máy tính và an ninh mạng. Việc phát hiện và hiểu rõ các cuộc tấn công này là điều cần thiết để duy trì hệ thống an toàn.
Nhóm đã nghiên cứu về việc sử dụng AI có khả năng giải thích để tăng cường tính dễ hiểu của các mô hình học trong phát hiện xâm nhập mạng ở mức độ nơ-ron, từ đó thu được những thông tin chi tiết hơn.
"Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng bộ dữ liệu CIC-IDS 2017, huấn luyện một mạng nơ-ron sâu để phát hiện các hoạt động mạng độc hại. Sau đó, chúng tôi phân tích các kích hoạt của các nơ-ron quan trọng để đạt được sự phân tách tinh vi hơn giữa các mô hình tấn công, dẫn đến một hệ thống phát hiện xâm nhập chi tiết hơn", đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
... Đến vấn đề vĩ mô: Mô hình Chính phủ
Ở tầm vĩ mô, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (đồng sáng lập, đồng Chủ tịch, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và đổi mới, Mỹ) và tiến sĩ Michael Dukakis (Chủ tịch Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và đổi mới; đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hội đồng các nhà tư tưởng, Diễn đàn Toàn cầu Boston), cho rằng phát triển nhanh chóng của AI mang lại cơ hội chưa từng có để cải biến cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Tuy nhiên, phần lớn chỉ tập trung vào một khía cạnh cụ thể của AI hoặc quản trị, bỏ qua bức tranh toàn cảnh về việc sử dụng AI để nâng cao phán đoán và năng lực của con người trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu của 2 tiến sĩ đã đề xuất mô hình Chính phủ AIWS (Artificial Intelligence World Society), là một chính phủ quốc gia hoạt động liên tục 24/7, được tăng cường bởi AI và tuân theo các nguyên tắc của AIWS. Ngoài ra, nhóm đã giới thiệu Boston Areti AI (BAI), một tác nhân AI được thiết kế để hỗ trợ các nhà lãnh đạo, học hỏi từ những cá nhân xuất chúng.
"Mô hình Chính phủ AIWS hướng đến một hệ thống quản trị minh bạch, có nguyên tắc và đặt trọng tâm vào công dân, hoạt động không ngừng nghỉ, đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục. Mô hình này không yêu cầu cắt giảm nhân sự mà thay vào đó tổ chức lại nhân viên thành các ca làm việc được hỗ trợ bởi AI, giúp chính phủ vận hành hiệu quả và liên tục", ông Tuấn cho hay.
Ngoài quản trị, nhóm nghiên cứu còn đề cập đến sự ra đời của ĐH AIWS và Y tế AIWS nhằm minh họa cách mà khung nguyên tắc AIWS có thể truyền cảm hứng cho các cải cách toàn diện trong giáo dục và y tế. Các khái niệm này thúc đẩy việc chấp nhận AI một cách đạo đức và hiệu quả, tạo điều kiện cho đổi mới, xây dựng lòng tin công chúng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình luận (0)