Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội gửi HĐND TP.Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 10.2022, toàn thành phố có 1.059 công chức, viên chức xin thôi việc theo nguyện vọng. Trong đó, có 533 viên chức thuộc lĩnh vực GD-ĐT, chiếm 52,4%.
TP.Hà Nội có 533 công chức, viên chức ngành giáo dục xin thôi việc trong 10 tháng qua (ảnh minh họa) |
b.t |
Theo phân tích của UBND TP.Hà Nội, nguyên nhân công chức, viên chức nói chung và nhà giáo nói riêng xin thôi việc là do dịch bệnh kéo dài, kinh tế gia đình khó khăn, tiền lương không đủ đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Thứ 2 là do chế độ đãi ngộ trong khu vực công còn chưa đảm bảo, người lao động có thể lựa chọn chuyển sang khu vực tư với tiền lương và thu nhập cao hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao. Cụ thể, khu vực tư nhân sẵn sàng tuyển chọn người làm việc trong khu vực công chức với mức lương hấp dẫn, đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập.
Ngoài ra, còn có lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, mong muốn thay đổi công việc.
Sẽ cải thiện cơ chế tiền lương, chế độ đãi ngộ
Từ những thực tế đó, Hà Nội đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tuyển dụng công chức, viên chức cũng như có chính sách cải thiện cơ chế tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp.
Thực hiện tăng định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế công chức. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đúng thực chất, công bằng, tạo điều kiện phát triển đối với người có trình độ, năng lực.
Hà Nội cũng đề xuất với các cơ quan T.Ư, trong đó đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, triển khai chính sách cải cách tiền lương mới đối với đội ngũ; nâng cao mức thu nhập, tạo sự cân bằng giữa mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức và mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Các bộ, ngành thực hiện việc hoàn thiện quy định của pháp luật về vị trí việc làm của công chức, viên chức theo hướng phân công đan xen các lĩnh vực, nhiệm vụ để tăng thêm sức hút đối với công chức, viên chức.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, toàn ngành đã có hơn 16.000 giáo viên thôi việc, trong đó giáo viên bậc mầm non chiếm tỷ lệ hơn 40%. Nguyên nhân chủ yếu là do lương thấp, môi trường làm việc chưa hấp dẫn…
Việc giáo viên nghỉ việc trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển, đặc biệt thiếu giáo viên trầm trọng ở những môn học mới, đang là thách thức với toàn ngành giáo dục.
Riêng TP.Hà Nội, đầu năm học 2022 - 2023 ngành giáo dục thủ đô thiếu 10.265 giáo viên nhưng mới chỉ được giao 2.361 biên chế cho các tất cả các cấp học.
Bình luận (0)