Thực tế ảo (VR) chỉ cần một thiết bị đeo trên đầu và kết nối internet đã có thể giúp người dùng trải nghiệm bằng thị giác những nơi, sự kiện họ chưa tới hoặc không thể tới. Trong khi đó, các dịch vụ giải trí trực tuyến mới như game streaming (chơi trên “đám mây” không cần cài đặt vào thiết bị cá nhân) cũng dần trở nên phổ biến hơn.
Nhiều tiện ích tiên tiến đang được phát triển gắn liền với công nghệ mạng không dây 5G - thế hệ mạng được hứa hẹn có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với những gì đang trải nghiệm trên smartphone hiện nay. Công nghệ này cũng đáng tin cậy và có tốc độ phản hồi nhanh hơn do độ trễ thấp (thời gian “lag” do dữ liệu đi từ thiết bị tới trạm thu phát, chuyển qua internet rồi quay lại).
Theo CNET, mạng 5G giảm độ trễ tín hiệu 20 mili giây hiện nay xuống còn 1 mili giây, tương đương với thời gian chớp sáng của đèn flash trên máy chụp hình. Người dùng cũng có thể tải hết trọn bộ chương trình truyền hình xuống máy cá nhân chỉ trong vài giây nhờ có 5G.
Dù vậy, công nghệ này sẽ không thay đổi cách chúng ta xem TV hiện tại. Trong vài năm tới, với sự hỗ trợ của 5G, con người kỳ vọng vào nhiều sự thay đổi của các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bằng cách điều khiển robot từ cách xa hàng nghìn km. Xe tự hành cũng được kỳ vọng đạt bước tiến mới, không chỉ cảm biến và phản hồi với môi trường xung quanh mà còn giao tiếp được với nhau, mạng lưới internet sẽ giúp theo dấu lộ trình của xe cũng như xác định mối nguy trên đường.
Trong lĩnh vực giải trí, ví dụ điển hình là mảng Oculus của Facebook hay bộ phận lập trình game của Microsoft đang thí nghiệm tạo ra một thế giới ảo rộng lớn hơn nhờ công nghệ VR, với đầy đủ chi tiết. “Chúng ta sẽ mở ra mọi tiềm năng của VR. Tương lai, game sẽ mang tới trải nghiệm nhập vai với một thế giới sống động hơn và được cá nhân hóa hơn”, Marija Radulovic-Nastic - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng Phát triển công nghệ và Dịch vụ tại công ty sản xuất game Electronic Arts (EA) chia sẻ.
5G có thể khiến mảng giải trí tương tác trở nên bình dân, không cần quan tâm tới thiết bị của người dùng, hỗ trợ phát triển công nghệ game đám mây (cloud gaming) hiện nay, cho phép người chơi giải trí trên những siêu máy chủ ngay tại nhà mình giống như ngồi nhà xem phim trên Netflix, HBO Max, AppleTV… mà không cần phải tải về máy vậy.
Người chơi cũng không cần tới những máy game cồng kềnh, nặng nề cắm vào TV để trải nghiệm. Họ chỉ cần thuê một máy chủ cấu hình “khủng” từ các công ty như Sony, Microsoft, Google, Nvidia hay Amazon để làm thay nhiệm vụ của máy chơi game.
Marija cũng cho biết thêm game có thể thay đổi nhờ công nghệ 5G, phụ thuộc vào sức mạnh máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ đám mây để có thể tạo ra mọi thứ khác nhau, kể cả xây dựng những nhân vật phản diện có trí tuệ nhân tạo thông minh hơn để chống lại người chơi hay những địa điểm trù phú cho họ khám phá.
Mọi thứ “lên mây”
|
Thế giới game hiện nay dù phát triển nhưng vẫn là một đống hỗn độn với nhiều tầng nhiều lớp và nền tảng khác nhau. Lấy ví dụ tựa game Red Dead Redemption 2 do Rockstar Games ra mắt năm 2018. Bối cảnh game diễn ra năm 1899 về miền Tây hoang dã với một thế giới đầy chi tiết tới không ngờ. Chim chóc, hươu, thỏ xuất hiện trong game trông thật như ngoài đời mỗi khi cử động. Cái cách mà trang phục của nhân vật tung bay mỗi khi cưỡi ngựa cũng không chê vào đâu được.
Người dùng thậm chí có thể mở một bảng phụ lục để chiêm ngưỡng đủ loại quảng cáo chi tiết cho quần áo, súng, vật dụng dành cho nhân vật và mua bằng số tiền kiếm được (hoặc đi trộm) trong game. Nhưng độ chi tiết mà người dùng được trải nghiệm lại phụ thuộc vào thiết bị họ dùng và sức mạnh của chiếc máy đó.
Trên máy Microsoft Xbox One hay Sony PlayStation 4 tiêu chuẩn (cùng ra mắt năm 2013, giá bán hiện khoảng 300 USD), mọi thứ chỉ dừng lại ở mức “Ổn”. Nếu dùng PlayStation 4 Pro (400 USD), nhân vật và động vật trong game sẽ sống động hơn nhiều. Nâng cấp máy thêm 100 USD nữa để có Xbox One X, người dùng sẽ thấy từng ngọn cỏ từ khoảng cách xa khi “du ngoạn” qua những cánh đồng miền quê. Cuối năm nay Xbox Series X và PlayStation 5 ra mắt hứa hẹn tựa game trông càng “choáng ngợp” hơn.
Nếu là người chơi PC, số tiền phải bỏ ra để có được cảm giác như các máy game 400 - 500 USD chắc chắn phải gấp vài lần. Chưa dừng lại ở đó, giới game thủ mobile xác định đứng ngoài cuộc vui dù họ có đang sở hữu Samsung Galaxy Note 10 Plus hơn 1.000 USD hay chiếc iPhone 11 Pro Max với dung lượng cao nhất. Đơn giản vì các tựa game “khủng” cho máy chơi chuyên dụng không có trên di động. Sức mạnh của những thiết bị cá nhân hơn 1.000 USD này không đủ để xử lý những game với đồ họa phức tạp.
Mọi trở ngại sẽ được giải quyết trong tương lai gần nhờ dịch vụ game đám mây đang nhen nhóm phát triển. Các nhà làm game tiết lộ siêu tốc độ 5G kết hợp với chi phí thấp cho công nghệ máy chủ hứa hẹn sẽ song hành để “tái sinh” trải nghiệm game cho tất cả mọi người. Khi đó, người dùng có thể chơi game trên gần như mọi thiết bị, ở bất kỳ đâu với đồ họa chẳng khác nhau là bao.
“Công nghệ sẽ giúp chính người chơi chủ động hơn với các tựa game khác nhau”, Phil Eisler - quản lý tại hãng sản xuất chip Nvidia nói. Nvidia đang cung cấp dịch vụ game đám mây cho người dùng với giá 4,99 USD một tháng, phối hợp với “gã khổng lồ công nghệ” LG U+ tại Hàn Quốc. Liên minh đã thử nghiệm dịch vụ tại thành phố lớn như Seoul (thủ đô Hàn Quốc) để xem phản ứng của người dùng và thu được kết quả khả quan. “Dịch vụ trở thành ưa thích của một số người chơi. Họ chơi ngay trên điện thoại khi ngồi tàu điện”, Eisler chia sẻ.
Eisler cũng cho biết khả năng giảm độ trễ khi kết nối là điều khiến anh hào hứng nhất với công nghệ 5G khi liên quan tới game. Trong các thử nghiệm của mình, Eisler nhận thấy tốc độ truyền của dữ liệu từ thiết bị qua internet tới máy tính của Nvidia và quay trở lại tốn khoảng 10 mili giây, chỉ bằng một phần mười nếu so với 4G.
|
Ý tưởng về game đám mây xuất hiện từ năm 2010 khi hai công ty khởi nghiệp là OnLive và Gaikai chứng minh tính thực tế của công nghệ này. Một thập kỷ sau đó, Sony mua lại cả hai doanh nghiệp trên và giờ đây dịch vụ PlayStation Now đang là một trong những cái tên sáng giá ở lĩnh vực game đám mây với hơn 800 tựa game cùng mức phí 10 USD mỗi tháng.
Google cung cấp dịch vụ game miễn phí có tên Stadia nếu người chơi mua game từ công ty. Hãng cũng tính phí 10 USD mỗi tháng cho người dùng có nhu cầu chất lượng chơi game tốt hơn. Trong khi đó, GeForce Now của Nvidia miễn phí trong một giờ chơi và nếu trả tiền thì không có giới hạn nào cả, nhưng người dùng phải sở hữu sẵn game thông qua việc mua từ cửa hàng bán lẻ trực tuyến.
Microsoft cũng mới tuyên bố đang thử nghiệm dịch vụ game có tên Project xCloud, dự kiến cung cấp miễn phí đối với dịch vụ Xbox Games Pass Ultimate từ tháng 9 này, đồng nghĩa người chơi Xbox đang phải trả 15 USD mỗi tháng sẽ được quyền chơi hàng trăm tựa game từ dịch vụ trực tuyến mới. “Gã khổng lồ phần mềm” cũng cho hay đã có hàng trăm nghìn người tham gia thử nghiệm dịch vụ của hãng kể từ tháng 10 năm ngoái thông qua kết nối Wi-Fi. Mạng 4G hiện vẫn còn khó khăn trong việc đáp ứng tốc độ đường truyền để chơi.
Công nghệ tương lai
Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cũng được lợi nhiều từ sự phát triển của 5G. Hiện Microsoft và Magic Leap là hai công ty đang bán các thiết bị đeo chơi AR với giá 2.200 USD trên thị trường. Dự kiến trong năm tới, Apple cũng giới thiệu thiết bị AR do chính hãng phát triển.
Các nhà mạng lớn tại Mỹ như AT&T hay Verizon đang thử nghiệm 5G để đẩy cao dịch vụ mạng của họ. Vào khoảng giữa những năm 2000, công nghệ 3G đã mang tới khả năng tải nhạc và tin nhắn có kèm hình ảnh. Rồi 4G LTE xuất hiện, thêm trải nghiệm xem video, nghe nhạc và các dịch vụ trực tuyến khác. Do đó, tốc độ từ 5G sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều dịch vụ hơn nữa và nhiều người tin chắc game sẽ là một trong những mảng hưởng lợi đầu tiên.
“5G không chỉ là câu chuyện về mạng lưới, mà vấn đề chính là đáp ứng được những gì người dùng mong muốn”, Jay Cary - trưởng mảng phát triển và marketing 5G của AT&T nhận định.
Bình luận (0)