Tuổi thọ của nam giới thường ngắn hơn so với nữ giới. Nhiều số liệu cũng cho thấy nam giới gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn so với phụ nữ. 1/5 nam giới chết trước 65 tuổi; 75% trường hợp tử vong sớm do bệnh tim là ở nam giới; 67% nam giới bị thừa cân; đàn ông trung niên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi phụ nữ; 4/5 vụ tự tử là nam giới, theo South China Morning Post.
Ngoài ra, nam giới thường hút thuốc lá, ăn uống nhiều hơn phái nữ với chế độ ăn nhiều thịt và không đủ rau quả.
Theo tiến sĩ Johnathan Chow, bác sĩ phụ trách dịch vụ sức khỏe nam giới tại Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Hồng Kông (Trung Quốc), nam giới dễ bị bệnh hơn là do “sự tác động lẫn nhau của các yếu tố sinh học, bao gồm sự khác biệt về hormone, di truyền và chuyển hóa. Điều này làm tăng khả năng phát triển của bệnh mạn tính nguy hiểm như bệnh mạch vành, đột quỵ và các bệnh về gan”.
Theo tổ chức từ thiện Diễn đàn Sức khỏe Nam giới có trụ sở tại Vương quốc Anh, dưới đây là những việc nam giới có thể thực hiện để tự đánh giá tình trạng sức khoẻ của mình và kịp thời phát hiện những triệu chứng bệnh nguy hiểm.
Theo dõi nhịp tim
Bạn có thể bắt mạch bằng cách đặt hai ngón tay trên cổ tay. Biết nhịp tim của mình khi bình thường, và thời gian cần thiết để nhịp tim quay về trạng thái bình thường sau khi vận động là rất quan trọng.
Bạn có thể bắt mạch bằng cách đặt hai ngón tay trên cổ tay |
Minh họa: shutterstock |
Nhịp tim vẫn tăng cao vài phút sau khi gắng sức hoạt động hay cao ngay cả lúc nghỉ ngơi chứng tỏ bạn đang có dấu hiệu không tốt về sức khỏe.
Theo dõi cân nặng và vòng bụng
Hãy đo vòng bụng ở điểm rộng nhất (thường là ngang rốn). Nếu con số đo được cao hơn 94 cm thì có thể bạn đang thừa cân. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư.
Nếu vòng bụng lớn hơn 101 cm, bạn được xem là rơi vào trường hợp béo phì. Theo đó, nguy cơ mắc các bệnh kể trên càng cao. Do vậy, bạn cần phải được thăm khám càng sớm càng tốt.
Chú ý những sự thay đổi về vẻ bề ngoài và cảm giác bên trong cơ thể
Khi nhìn vào gương, bạn cần chú ý xem cơ thể bên ngoài có sự thay đổi khác thường nào không. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến cảm giác bên trong của mình. Bạn có bị khó thở hoặc đau không rõ nguyên nhân không? Bạn có bị ho dai dẳng không? Bạn có phát hiện máu trong nước bọt hay khi đi vệ sinh không?
Nếu bạn gặp những dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và làm rõ nguyên nhân.
Theo dõi quá trình bài tiết
Tần suất đi tiểu của bạn thế nào? Quá trình tiểu của bạn diễn ra có dễ dàng không? Bạn có đi tiểu thường xuyên vào ban đêm không?
Tiểu thường xuyên hoặc khó khăn hơn có thể là dấu hiệu của bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt. Do vậy, bạn cần được thăm khám khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường trong quá trình này.
Bạn có đi tiểu thường xuyên vào ban đêm không? |
shutterstock |
Thường xuyên kiểm tra huyết áp
Bạn cần thường xuyên theo dõi huyết áp để kịp thời phát hiện ra dấu hiệu tăng huyết áp. Trong trường hợp tăng huyết áp, bạn cần thực hiện chế độ ăn giảm cân, giảm tiêu thụ muối trong các bữa ăn.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có đột quỵ.
Kiểm tra tinh hoàn
Kiểm tra tinh hoàn để có thể sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường như có chỗ cộm lên.
Hiện nay, ung thư tinh hoàn có dấu hiệu ngày càng phổ biến ở nam giới từ 20 đến 30 tuổi. Do vậy, việc phát hiện sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công, theo South China Morning Post.
Bình luận (0)