6 biện pháp giúp phụ huynh không sập bẫy lừa 'có con đang cấp cứu'

10/03/2023 10:15 GMT+7

Chuyên gia nghiên cứu tội phạm khuyến cáo 6 biện pháp có thể giúp phụ huynh không bị sập bẫy lừa đảo "có con đang cấp cứu".

Hiện tượng lừa đảo "có con đang cấp cứu, cần chuyển tiền mổ gấp" xảy ra tại TP.HCM đang được rất nhiều người quan tâm.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Thông tin cá nhân lọt ra từ đâu?

Thủ đoạn chung là các đối tượng mạo danh giáo viên, cán bộ nhà trường gọi điện để báo tin cho phụ huynh học sinh rằng con em của họ bị tai nạn ở trường, cần gấp một khoản tiền để cấp cứu, điều trị. Do quá lo lắng, nhiều người đã chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, kết quả bị chiếm đoạt số tiền đó.

6 biện pháp giúp phụ huynh không sập bẫy lừa 'có con đang cấp cứu' - Ảnh 1.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi đồng 1)

DUY TÍNH

Theo thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm, chiêu thức lừa đảo nêu trên là một thủ đoạn mới và khá tinh vi.

Tinh vi ở chỗ các đối tượng khai thác điểm yếu trong tâm lý của phụ huynh. Khi nghe tin con bị tai nạn ở trường, phụ huynh sẽ rất lo sợ, lúng túng, thậm chí hoảng loạn. Đây cũng là thời điểm thiếu tỉnh táo khiến đối tượng lợi dụng để thao túng tâm lý.

Đặt giả thiết, khi đối tượng gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, rõ ràng nhiều phụ huynh sẽ không còn nghi ngờ, mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường.

Tiếp đó, đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, ví dụ cần tiền đóng viện phí để phẫu thuật ngay chẳng hạn, không cho phép phụ huynh chần chừ hay có thời gian kiểm chứng. Tâm lý thông thường, phụ huynh khi nghe vậy sẽ vô cùng sốt ruột, không dám chậm trễ vì sợ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nên đã chuyển tiền.

Xem nhanh 20h ngày 10.3: ‘Cãi nhau như mổ bò’ vì đăng kiểm | Tái diễn bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’

Theo thượng tá Hiếu, điểm quan trọng nhất để đối tượng có thể thực hiện được trò lừa là phải có số điện thoại của phụ huynh và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. Điều này đồng nghĩa, khi bị đối tượng lừa đảo tìm đến, có thể đánh giá danh sách học sinh kèm theo tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ, lọt.

Về lý thuyết, những nguồn quản lý các thông tin trên thường bao gồm nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học, ban phụ huynh học sinh của lớp, của trường; các nhóm Zalo chat giữa phụ huynh học sinh với giáo viên; các lớp dạy thêm, học thêm cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại, do bộ phận quản lý học viên tại các trung tâm đó nắm giữ.

Dựa trên những địa chỉ này, rất có thể thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh đã bị lộ, lọt do vô tình hoặc cố ý. Việc rà soát, điều tra sự việc cũng nên bắt đầu từ manh mối vừa nêu.

6 biện pháp giúp phụ huynh không sập bẫy lừa 'có con đang cấp cứu' - Ảnh 2.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm

NVCC

Để không bị sập bẫy chiêu lừa nói trên, thượng tá Hiếu khuyến cáo phụ huynh có thể thực hiện 6 biện pháp, nhằm nâng cao tính cảnh giác và kịp thời xử trí nếu không may bị đối tượng lừa đảo liên hệ.

Thứ nhất, giữa nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Nhà trường cần có những số máy thường trực, luôn ở trạng thái chờ kết nối, để phụ huynh có thể liên lạc trong giờ học.

Thứ hai, các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại hoặc vô tình lộ, lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.

Thứ ba, phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh, trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới.

Thứ tư, nếu nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, phụ huynh cần cảnh giác, hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Tiếp đó, phụ huynh cần gọi điện cho nhà trường hoặc giáo viên hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm chứng.

Nếu không liên lạc được, phụ huynh phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra; tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.

Thứ năm, phụ huynh phải trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết.

Thứ sáu, phụ huynh cũng cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, qua đó giúp nhiều người cảnh giác hơn.

Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ

Công an TP.HCM khuyến cáo, khi nhận thông tin về việc con, cháu mình bị tai nạn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan liên quan, trường học để kiểm chứng thông tin.

Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám, chữa bệnh), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an TP.HCM cũng lưu ý, khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ trực ban Công an TP.HCM qua số điện thoại 069.3187.344; trực ban Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM qua số điện thoại 069.3187.200 để cung cấp thông tin, phối hợp công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.