6 cách giúp tăng sự chịu đựng để đạt được mục tiêu

01/08/2021 10:22 GMT+7

Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra. Không chỉ là các cuộc tranh tài căng thẳng, mà các vận động viên còn chịu áp lực khác mang tên Covid-19 . Thế nhưng họ vẫn bền bỉ tập luyện, thi đấu để mang lại những phần trình diễn tuyệt vời.

Động lực nào giúp họ có sức chịu đựng đáng kinh ngạc như vậy? Theo các chuyên gia đã từng làm việc với các huấn luyện viên và vận động viên, dưới đây là 6 cách mà chính bạn cũng có thể làm để phát triển và duy trì sức bền, theo trang CNN.

1. Đặt mục tiêu ý nghĩa, rõ ràng

Đặt mục tiêu cho bản thân là nền tảng quan trọng để xây dựng sức chịu đựng, theo Timothy Baghurst - Giáo sư giáo dục và giám đốc của FSU Coach (Trung tâm Huấn luyện Thể thao liên ngành Đại học Bang Florida, Mỹ). Ông chia sẻ, xác định mục tiêu bằng phương pháp SMARTS giúp bạn vạch rõ điều mình muốn và duy trì sự kiên trì. SMARTS là viết tắt của những từ khoá: Specific (mục tiêu cụ thể), Measurable (có thể đo lường được), Achievable (có thể đạt được), Relevant (tính liên quan), Timed (thời gian) và Self-determined (quyết tâm).
Ví dụ, mục tiêu "tôi muốn có thân hình cân đối" là mục tiêu chung chung, nhưng chạy marathon thì là mục tiêu cụ thể. Tương tự, "tôi sẽ làm hết sức mình" là một mục tiêu tương đối, khó đo lường, trong khi kế hoạch hoàn thành đường chạy marathon trong bao nhiêu phút lại là mục tiêu có thể đo lường được.
Giáo sư Baghurst cho biết thêm, có 2 loại động lực: bên ngoài và bên trong. Động lực bên ngoài có thể là phần thưởng nào đó khi bạn đạt được mục tiêu, chẳng hạn như tiền thưởng hoặc danh hiệu. Còn động lực bên trong là những yếu tố nội tại thúc đẩy bạn đạt mục tiêu để bạn cảm thấy tự tin hơn, tự tôn hơn. Động lực bên trong là thứ giúp bạn tiếp tục bền bỉ tiến tới mục tiêu, kể cả khi các động lực bên ngoài không còn nữa. Việc viết ra những động lực bên trong có thể giúp bạn ghi nhớ chúng tốt hơn.

2. Cho người khác biết mục tiêu của bạn

Theo trang CNN, nói với mọi người về mục tiêu của mình là phương pháp “lấy trách nhiệm ra làm động lực”. Nếu không nói với người khác, thì bạn có thể dễ dàng từ bỏ mục tiêu mà không có vấn đề gì. Nhưng nếu đã nói với tất cả các đồng nghiệp trong văn phòng rằng bạn sẽ chạy marathon vào tháng 11, họ sẽ hỏi bạn về điều đó, và vì vậy nó có thể khiến bạn phải có trách nhiệm hơn với lời mình đã nói ra.

3. Hình dung cả thách thức và thành công

Một kỹ thuật phổ biến trong thể thao là hình dung - dùng hình ảnh tưởng tượng để củng cố niềm tin vào mục tiêu, nhìn ra những trở ngại tiềm ẩn trên đường đi và hình dung bản thân vượt qua những trở ngại đó. Hầu hết mọi người chỉ hình dung thành công mà không nghĩ đến thất bại. Nếu chúng ta không lường trước hoặc không hình dung mình trải qua những thử thách thì khi ngày đó tới, chúng ta sẽ lúng túng và không chuẩn bị kỹ. Hậu quả là chúng ta mất động lực hoặc không tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu.

4. Thực hành chánh niệm

Cách tư duy khi đối mặt với một tình huống có thể khiến đời bạn “nở hoa” hoặc “bế tắc”. Nếu hôm nay bạn phải chạy bộ và bạn cứ tự nhủ: “Mình chạy không giỏi. Mình không có khả năng. Tệ quá. Sao trời nóng thế. Chạy bộ thật khó thở…”, thì bạn khó có thể bắt đầu chứ đừng nói tới hoàn thành đường chạy.
Thực hành chánh niệm là một cách để cải thiện những niềm tin tiêu cực và điều chỉnh chúng thành một tư duy phát triển thay vì tư duy cố định. Ví dụ, thay vì nói với bản thân rằng “tôi không giỏi giao bóng”, hãy nghĩ rằng "tôi chưa giỏi giao bóng lắm. Bây giờ, làm thế nào để tôi cải thiện yếu điểm này?".

5. Đặt lời nhắc

Các chuyên gia cho rằng ta khó ghi nhớ mục tiêu trong những thời điểm căng thẳng. Dù vậy một số vận động viên vẫn có cách để nhắc nhở bản thân về mục tiêu đã đề ra. Họ dán hình ảnh huy chương hoặc đơn đăng ký tham gia cuộc thi trên gương, tủ lạnh hoặc tường phòng tắm, mặc quần áo hoặc đeo vòng tay có in những câu nói truyền động lực.

6. Học cách điều chỉnh

Khi có vấn đề đột ngột xảy ra, hãy tập trung vào điều bạn có thể làm được. Giả sử bạn bè thường đón bạn đi tập thể dục, nhưng một ngày nọ họ không tới. Với nhiều người, có lẽ họ cũng sẽ không đi tập hôm đó. Nhưng bạn có thể học cách điều chỉnh tình hình và kiểm soát quyết định của mình khi nghĩ: “Bạn bè không tới thì mình vẫn có thể đi dạo hoặc tự tập thể dục ở nhà được”.
Trong quá trình tiến tới mục tiêu, dù bất cứ điều gì xảy ra, hãy nhớ: kiên trì vẫn thường tốt hơn là bỏ cuộc. Vượt qua khó khăn, trở ngại được một lần thì bạn cũng có động lực để lần sau tiếp tục cố gắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.