6 dấu hiệu cho thấy điện thoại bị theo dõi

30/09/2024 16:32 GMT+7

Nếu nghi ngờ điện thoại bị theo dõi, bạn hãy nhận biết một số dấu hiệu quan trọng để bảo vệ sự riêng tư và thông tin cá nhân kịp thời.

Điện thoại mang đến cho chúng ta vô vàn tiện ích, đồng thời là nơi chứa đựng nhiều dữ liệu quan trọng như thông tin cá nhân, vị trí, tin nhắn, cuộc gọi... Dưới sự phát triển của công nghệ hiện đại, những kẻ xấu sẽ có nhiều chiêu trò tinh vi để biến điện thoại thành công cụ theo dõi nạn nhân.

Ứng dụng lạ

Theo PCMag, khi dữ liệu nền trên smartphone tăng cao đột ngột so với mức thường dùng, bạn nên kiểm tra xem ứng dụng nào đang sử dụng nhiều dữ liệu nhất. Nếu phát hiện ứng dụng lạ bạn chưa từng tải xuống, hãy nhanh chóng xóa nó ngay lập tức.

6 dấu hiệu cho thấy điện thoại bị theo dõi- Ảnh 1.

Ứng dụng lạ đem đến nhiều rủi ro bảo mật

Ảnh: Chụp màn hình

Tin nhắn lạ

Một số phần mềm gián điệp có khả năng điều khiển từ xa bằng cách gửi tin nhắn bí mật được mã hóa đến điện thoại của nạn nhân. Để tránh bị dính mã độc, người dùng tuyệt đối không nên nhấn vào tệp, đường link đính kèm thư rác.

Nhanh hao pin

Phần mềm theo dõi sẽ liên tục chạy ở chế độ nền để giám sát mọi hoạt động trên điện thoại và gửi chúng cho bên thứ ba khiến pin mau cạn kiệt. Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng chức năng GPS nhằm theo dõi vị trí thiết bị theo thời gian thực, làm phần cứng bị quá tải và điện thoại bị nóng.

Hoạt động bất thường trên điện thoại

Ứng dụng tự đóng mở, thiết bị phát ra âm thanh dù đang đặt chế độ im lặng vì phần mềm gián điệp đang lén lút ghi lại dữ liệu cuộc gọi, phím bấm hoặc kích hoạt camera và micro. Tiếng bíp, tiếng nhiễu thường xuyên phát ra từ điện thoại trong khi gọi điện có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc gọi đang bị nghe lén. Dù vậy, những âm thanh lạ đôi khi chỉ là do tín hiệu kết nối kém.

Theo dõi lịch sử duyệt web và hoạt động của tài khoản cá nhân để phát hiện hoạt động khả nghi. Hầu hết nền tảng mạng xã hội đều cho phép bạn xem lại lịch sử hoạt động, thiết bị và vị trí đăng nhập, nếu phát hiện tài khoản bị xâm nhập thì nên đổi mật khẩu ngay.

Yêu cầu cấp quyền

Các ứng dụng luôn cần quyền truy cập vào một số tính năng của điện thoại. Ví dụ, ứng dụng chỉnh sửa ảnh yêu cầu quyền truy cập camera và micro là điều hợp lý. Do đó, nếu ứng dụng gửi cho bạn yêu cầu cấp quyền không cần thiết, rất có thể đó là phần mềm gián điệp được ngụy trang dưới lớp vỏ bọc vô hại. Chẳng hạn, ứng dụng nhắc nhở công việc hằng ngày không cần quyền truy cập camera.

Ngoài ra, người dùng chỉ nên cho phép ứng dụng bản đồ, dịch vụ giao hàng, đặt xe... truy cập vị trí khi đang sử dụng, hạn chế việc thu thập dữ liệu cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư.

Thiết bị lạ kết nối với điện thoại

AirTag giúp người dùng tìm kiếm đồ vật dễ dàng hơn nhưng công cụ này cũng đang bị kẻ xấu dùng với mục đích bất chính. Vào năm 2024, Apple và Google bắt đầu hợp tác để tìm giải pháp giúp người dùng iOS và Android kiểm tra xem thiết bị có đang bị AirTag theo dõi vị trí hay không.

Ngoài ra, hãy kiểm tra xem điện thoại có đang bật tính năng chia sẻ mạng. Nếu có, bạn nên đảm bảo chỉ có những thiết bị mình tin tưởng đang kết nối.

Sau khi phát hiện phần mềm theo dõi, người dùng cần khôi phục cài đặt gốc cho smartphone để bảo đảm an toàn, đồng thời cập nhật hệ điều hành thường xuyên nhằm tối ưu hóa bảo mật và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.