6 đột phá trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan

An Nguyên
(từ Warsaw)
18/01/2025 06:48 GMT+7

Khi phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, tiếp các tập đoàn hàng đầu Ba Lan, hay phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp 2 nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều gửi đi thông điệp nhất quán về việc tạo ra đột phá trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ba Lan.

Thủ tướng mở đầu bài nói chuyện tại Đại học Tổng hợp Warsaw hôm qua (17.1) bằng việc đọc những câu thơ nồng nàn trong tác phẩm Việt Nam của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska và bài Em ơi… Ba Lan của Tố Hữu. "Đó chính là tình cảm của 2 nước chúng ta. Sự kết nối đến từ những nét đặc trưng văn hóa, là tâm hồn, tình cảm của hai dân tộc. Chúng ta không có xung đột nào cả, ngoài những điểm chung", người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng cũng không quên kể câu chuyện của người lính Ba Lan Stefan Kubiak tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi và đặt tên mang họ Hồ.

"Đó là biểu tượng kết nối của 2 dân tộc với lòng yêu chuộng hòa bình, khát khao cống hiến và chiến đấu vì chính nghĩa, vì độc lập", Thủ tướng nói.

6 đột phá trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Warsaw

ẢNH: TTXVN

Thủ tướng cho biết ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm xuyên suốt: Đối ngoại độc lập, tự chủ; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Phát triển kinh tế là trung tâm với 3 đột phá chiến lược thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và con người thông minh; Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; Bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; Xây dựng Đảng là then chốt.

Trước hàng trăm học giả và sinh viên của Đại học Warsaw, Thủ tướng tự hào nói sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia.

Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD, nằm trong top 33 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Ba Lan được biết tới là nền kinh tế hàng đầu khu vực, đứng thứ 6 ở EU và thứ 20 thế giới. Trong vòng 3 thập niên, quy mô nền kinh tế Ba Lan đã tăng gấp 3 lần và luôn đi đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ba Lan cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có vai trò và tiếng nói ngày càng quan trọng trong EU và ở khu vực Trung Đông Âu.

6 đột phá

"Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông Âu, đặc biệt là với các nước bạn bè truyền thống như Ba Lan", Thủ tướng bày tỏ.

Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong 75 năm qua, với thế và lực của mỗi nước đã được nâng cao trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới.

Đầu tiên là tạo đột phá trong việc nâng quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hướng đến Đối tác chiến lược.

Thứ hai, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỉ USD/năm. Thủ tướng cho biết Việt Nam mong đón nhận nhiều nhà đầu tư Ba Lan vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản và thực phẩm, chăn nuôi, y tế, dược phẩm, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ, logistics và hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tạo đột phá trong hợp tác thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới. "Mong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Ba Lan dành nhiều nguồn lực hơn cho hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng sạch, công nghệ mới", Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng tin tưởng cơ chế tham vấn lao động mà hai nước vừa ký kết cùng với thỏa thuận hợp tác về giáo dục ký trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội mới cho người lao động và thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận với tri thức và các kỹ năng khoa học công nghệ, chuyên môn cao, nhất là về chuyển đổi số.

Thứ tư, đột phá trong giao lưu nhân dân. Theo Thủ tướng, Việt Nam quyết định miễn thị thực đơn phương cho công dân Ba Lan mang hộ chiếu phổ thông trong năm 2025 (cụ thể là từ 1.3.2025) chính là nằm trong bước đi này. Hai nước tiếp tục thúc đẩy hình thành các cơ chế hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu văn hóa, trao đổi du lịch, đi lại giữa người dân hai nước.

Thứ năm, đột phá trong phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ LHQ.

Và cuối cùng là đổi mới và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng - an ninh bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Hỗ trợ, giúp đỡ hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và chuyển giao công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp phòng chống tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác về an ninh mạng.

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau"

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỉ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỉ USD, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

"Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2023", Thủ tướng cho hay.

Và cũng như Ba Lan, Việt Nam cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Với tinh thần "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", "cùng làm, cùng thắng", việc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, thực chất sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng; các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ba Lan sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 100 triệu dân với chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi; đồng thời tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân cũng như toàn bộ các quốc gia đã có FTA với Việt Nam", Thủ tướng chia sẻ.

Đề nghị mở lại đường bay Warsaw - Hà Nội

Tiếp ông Michal Fijol - quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn hàng không LOT của Ba Lan, Thủ tướng ghi nhận đề xuất của tập đoàn này liên quan đến việc khai thác trở lại thị trường Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định điều này không gặp bất kỳ vướng mắc nào và cho biết sẽ giao các cơ quan của Việt Nam xử lý ngay các đề xuất của LOT theo quy định.

Theo ông Michal Fijol, năm 2010, LOT đã mở đường bay mới từ Warsaw đến Hà Nội và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đường bay này tạm thời dừng hoạt động từ năm 2020. Hiện LOT đang quan tâm việc khôi phục lại quan hệ kinh doanh với Việt Nam, cụ thể là vận hành lại tuyến bay Warsaw - Hà Nội. Hãng cũng đang khai thác các chuyến bay charter (thuê chuyến) giữa Warsaw - Phú Quốc và riêng năm 2024 đã mang 15.000 du khách Ba Lan tới Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.