Theo Hãng tin IANS dẫn lời tiến sĩ Nimit Shah thuộc Bệnh viện Sir HN Reliance (Ấn Độ), lưu lượng máu không đến đủ cho các cơ quan của cơ thể có thể gây đột quỵ, đau tim, suy thận. Bác sĩ Nimit Shah chia sẻ những gợi ý giúp kiểm soát huyết áp thấp như sau.
1. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Lượng vitamin B-12, a xít folic và chất sắt thấp dễ gây thiếu máu, từ đó có thể làm giảm huyết áp. Do đó, ăn nhiều rau củ và hoa quả tươi là rất quan trọng. Giảm bớt tinh bột, đường trong chế độ ăn uống hằng ngày, đồng thời chia thành các bữa ăn nhỏ giúp ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột.
2. Bổ sung đầy đủ muối. Hàm lượng sodium trong muối giúp tăng huyết áp. Vì vậy, hỏi thêm bác sĩ về lượng muối thích hợp bạn nên nạp trong ngày.
3. Nói không với rượu bia vì chất cồn dễ dẫn đến mất nước và gây ra huyết áp thấp cùng rất nhiều vấn đề khác.
4. Đừng tự điều trị chứng huyết áp thấp vì có thể gây ra nhiều nguy cơ. Những người mắc bệnh tim và cao huyết áp, có thể cần phải thay đổi thuốc nếu huyết áp không ổn định.
Một số loại thuốc bổ trợ tim có thể gây ra huyết áp thấp. Nếu bạn mắc bệnh tim và đặc biệt là tim yếu (suy tim) kèm bị tiêu chảy và/hoặc nôn mửa, nên tham khảo ý kiến bác sĩ sớm, vì họ có thể cân nhắc giảm thuốc lợi tiểu hoặc thuốc huyết áp.
5. Uống nhiều nước. Mất nước có thể dẫn đến huyết áp thấp nên cần tăng cường nước ngay mỗi khi khát. Khuyến cáo là uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày nếu bạn không bị suy tim hoặc bệnh thận.
6. Tập thể dục. Các bài tập nhẹ không làm căng cơ thể giúp tăng cường lưu thông máu. Đi bộ hoặc tập yoga cũng rất hữu ích.
Bình luận (0)