Thị trường game online nhiều tồn đọng
Quá nhiều 'cuộc chia tay'
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, con số game online nhận phải "án tử" chắc chắn đã lên đến con số hàng chục. Đặc biệt, hầu hết các game online trong số bị đóng cửa này đều hoạt động trên nền tảng web hoặc client, trong khi đó số lượng các game mobile đóng cửa là khá nhỏ.
Trong số này, có những game online đặc biệt "hút khách" như Cửu Tinh Vô Song, Xạ Thủ, BF Online, Cửu Long Tranh Bá hay Đao Tháp,... tất cả đều là những cái tên "gây sốt một thời", tuy nhiên cuối cùng đều chịu chung một số phận. Điều này đã cho thấy rằng công cuộc đào thải ở làng game Việt khắc nghiệt như thế nào.
Thậm chí, một nhà phát hành tên tuổi như TTV Online đã đóng cửa tới 10 sản phẩm chỉ trong 6 tháng và không cho ra mắt thêm bất cứ sản phẩm nào...
Nhiều nhà phát hành bị xử phạt
Cũng chẳng phải tự nhiên mà số lượng trò chơi phải đóng cửa trong nửa đầu năm nay đã bằng cả 1 - 2 năm trước cộng lại, bởi lẽ trong số này có rất nhiều tựa game nằm trong tay các nhà phát hành vi phạm vào các quy định về cung cấp trò chơi điện tử G1, và đã phải đóng cửa những trò chơi này sau khi nhận án phạt hành chính.
Danh sách những nhà phát hành này có cả những cái tên khá đình đám như Vĩnh Xuân, MECorp, MCCorp hay Mobimedia,... Tất cả những nhà phát hành này đều đã vi phạm vào quy định về phát hành trò chơi G1 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Số trò chơi bị buộc phải đóng cửa vì vi phạm của các nhà phát hành này cũng lên tới con số hàng chục.
Quảng bá phản cảm tràn lan.
Kiểu quảng bá bằng những cái tên như vậy đã "xưa" rồi!
Thực trạng quảng bá game online bằng các hình ảnh - biểu ngữ phản cảm, thậm chí dung tục đã xuất hiện từ khá lâu trong làng game Việt, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sự việc này có vẻ như đã "tiến xa hơn" với việc các mạng xã hội tích hợp tính năng livestream. Điều này dẫn đến việc "quảng bá" các sản phẩm theo xu hướng 18+ càng dễ dàng hơn bao giờ hết.
Xu hướng mới là phải livestream!
[mecloud]crbtChUuVD[/mecloud]
Những cách quảng bá như vậy rõ ràng đã vi phạm các chuẩn mực truyền thông, thậm chí khiến cho xã hội có cái nhìn xấu về ngành công nghiệp game online nước nhà.
Nền Esports đang thụt lùi
Cày thuê 'nở rộ'
Từ thời điểm eSports du nhập vào Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ mà cộng đồng hâm mộ lại nghe thấy cụm từ "cày thuê" nhiều như thời điểm hiện tại. Nếu như trong những năm trước, đa phần giới cày thuê là những game thủ tài năng có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, thì ở thời điểm hiện tại, ngay cả các game thủ chuyên nghiệp cũng sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp để 'dấn thân' vào con đường cày thuê.
Lý do duy nhất lý giải cho những sự việc như vậy chính là do nghề tuyển thủ chuyên nghiệp thể thao điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được sự thừa nhận từ xã hội cũng như mức lương khá thấp so với mặt bằng chung các nước khác.
'Văn hoá' chửi và gian lận bám rễ
Đây có lẽ là vấn nạn chung của hầu hết các bộ môn eSports tại Việt Nam bởi lẽ có một bộ phận game thủ ở nước ta khá yếu kém về ý thức.
'Sửu nhi' lộng hành trên kênh tường thuật quốc tế
Ở Dota 2 là trashtalk, "tổng sỉ vả" đồng đội. Ở Liên Minh Huyền Thoại là dùng hack, "chửi bới" loạn xà ngầu trên các kênh stream quốc tế, thậm chí sẵn sàng "phá game" chỉ vì đồng đội có tên hay hơn mình.
Cơn khát huy chương
Còn nhớ ở thời điểm eSports mới phát triển ở khu vực Đông Nam Á, các đội tuyển của Việt Nam luôn được đánh giá là "chiếu trên" so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, qua thời gian, có vẻ như các đội tuyển của chúng ta đã "dậm chân tại chỗ" trong khi bạn bè quốc tế đã trở nên quá mạnh mẽ, 'người anh cả' Saigon Jokers hiện tại luôn phải "toát mồ hôi hột" mỗi khi gặp Bangkok Titans - đội tuyển từng ăn no hành của QTV xưa kia...
Năm 2015, trong khi Bangkok Titans khá dễ dàng giành vé đi Wildcard, "củ hành" tất cả các đối thủ và góp mặt ở Chung Kết Thế Giới, thì năm nay, các đội tuyển Việt Nam thậm chí lại trở thành "mồi ngon" để các đội tuyển khác kiếm điểm.
Tạm kết
Sáu tháng là khoảng thời gian cần và đủ để làng game online Việt tự nhìn nhận lại chính mình. Điều này chắc chắn là cần thiết bởi lẽ chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi vừa qua, ngành game trong nước đã xảy ra nhiều biến cố và bê bối hơn cả năm trước đó cộng lại. Hi vọng với nửa năm còn lại, các nhà làm game - phát hành game cùng cộng đồng game thủ sẽ có những động thái tích cực hơn để góp phần thay đổi thành kiến của xã hội đối với nền công nghiệp game nước nhà.
Bình luận (0)