6 tồn tại trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiện nay

23/08/2022 11:34 GMT+7

Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Thông tin về kết quả phiên họp 22 Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) mới đây, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho biết, tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn chỉ rõ 6 tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua.

Phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

ttxvn

“Ban Chỉ đạo cho rằng có những chỉ đạo đã được chỉ ra trước đó nhưng đến nay vẫn lặp lại, đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn”, ông Học thông tin.

Thứ nhất, ông Học cho biết, Ban Chỉ đạo nêu rõ, một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc, xử lý theo kế hoạch.

Trong kết luận phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, cũng yêu cầu xử lý dứt điểm 5 vụ án, vụ việc liên quan đến: Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.

Thứ hai, công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm; có dấu hiệu đùn đẩy, né tranh trách nhiệm trong công tác này.

“Ban Chỉ đạo đánh giá công tác giám định tài sản có chuyển biến song vẫn là tồn tại, hạn chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, ông Học thông tin.

Thứ ba, việc rà soát các sở hở, bất cập của chính sách pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm, quyết tâm chưa cao.

“Qua phát hiện xử lý các vụ án, vụ việc ở nhiều lĩnh vực chúng ta thấy có những bất cập, vướng mắc về luật pháp đòi hỏi phải rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng việc sửa đổi còn chậm, quyết tâm chưa cao”, ông Học nói.

Thứ tư, việc tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ, tự phát hiện sai phạm vẫn là khâu yếu.

Thứ năm, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức có tâm lý lo ngại, làm việc cầm chừng, sợ sai nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo ông Học, đây là điều các thành viên Ban Chỉ đạo đã ghi nhận, đánh giá là “một thực tế”.

Thứ sáu, Ban Chỉ đạo đánh giá, dù đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, song tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.

“Cái nghiêm trọng hơn nữa, các thành viên Ban chỉ đạo nhìn nhận đánh giá, nhấn mạnh là có sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư, có sự móc nối giữa cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất với các doanh nghiệp. Và sự móc nối này rất tinh vi. Có nhiều vụ án chúng ta phát hiện cho thấy tham nhũng tập thể”, ông Học cho hay.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư cũng cho biết, tại phiên họp các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc dù chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt song vẫn có nhiều người vi phạm, có phải là nhiều người không biết sợ không?

“Ban Chỉ đạo khẳng định việc xử lý nghiêm có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, giúp nhiều cán bộ tự soi, tự sửa, tự răn mình không vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ không biết sợ. Chẳng hạn có trường hợp cán bộ trước vừa vị phạm bị xử lý, cán bộ sau lại lại tiếp tục vi phạm”, ông Học nói, và cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục đẩy mạnh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước).

Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỉ đồng và 134 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm trước). Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 414 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.

Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước).

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 9.027 tỉ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Nguy cơ đe dọa tồn vong của Đảng, chế độ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30.6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, môt số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.

Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.