60% thí sinh đủ điều kiện vào đại học

09/08/2014 09:00 GMT+7

Ngày 8.8, Bộ GD-ĐT chính thức công bố các mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2014 thay thế điểm sàn các năm trước đây.

* Các mức điểm xét tuyển vào ĐH là 13, 14, 17 (khối A, A1, C và D), khối B là 14, 15, 18
* Bậc CĐ là 10 (khối A, A1, C và D), khối B là 11.

Ngày 8.8, Bộ GD-ĐT chính thức công bố các mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2014 thay thế điểm sàn các năm trước đây.

60% thí sinh đủ điều kiện vào đại học
Đại diện Bộ GD-ĐT và các trường ĐH cùng trao đổi, thông tin cho thí sinh những điểm mới về việc xác định điểm xét tuyển cũng như chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển của từng trường trong chương trình trực tuyến của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, năm nay có 1.055.279 thí sinh (TS) dự thi đủ 3 môn. Với các mức điểm đã công bố, có khoảng 80% TS đủ điều kiện vào CĐ và 60% TS đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH.

Cụ thể: Khối A có 20% TS đạt từ 18 điểm trở lên, 30% từ 16,5 điểm, hơn 50% từ 13,5 điểm, 60% từ 12,5 điểm trở lên. Đối với khối A1, khoảng 20% TS đạt 19 điểm trở lên, 30% từ 17,5 điểm, 50% từ 13,5 điểm. Ở khối B, 20% TS đạt 18,5 điểm trở lên, 30% từ 17 điểm, 60% từ 13 - 13,5 điểm. Riêng khối C có 20% TS đạt từ 17 điểm trở lên, 30% 15,5 điểm, 60% từ 11,5 điểm. Khối D có 20% TS đạt 18 điểm trở lên, 30% từ 16,5 điểm và 60% đạt từ 12,5 - 13 điểm.

Nguồn tuyển dồi dào

Ngay sau khi công bố điểm xét tuyển, Bộ đã họp báo để lý giải những vấn đề dư luận quan tâm. Giải thích vì sao lại có tới 3 mức điểm xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay điểm sàn được phân chia thành nhiều mức. Mỗi mức tương ứng với số TS đạt được. Điều này sẽ giúp các trường khi xem xét điểm chuẩn có thể căn cứ vào các mức được công bố này để tuyển sinh sao cho đảm bảo chất lượng. Các trường sẽ phải cân nhắc giữa thương hiệu và số lượng. Bộ đã để nguồn tuyển khá rộng rãi do hệ số dư tăng hơn nhiều so với năm 2013. Vì thế các trường không thiếu nguồn tuyển”.

Tuy nhiên ông Ga cũng lưu ý mức điểm tối thiểu này có thể đảm bảo chất lượng nhưng không phải TS cứ đạt mức này là vào được ĐH. Cụ thể với mức điểm tối thiểu vào ĐH thì có khoảng 650.000 TS đạt được nhưng chỉ tiêu chỉ có khoảng 300.000. Vì vậy, các trường cần cân nhắc lựa chọn hợp lý, không nên cần tuyển đủ chỉ tiêu mà đạt chất lượng thấp, ảnh hưởng đến thương hiệu của trường.

Lý giải thêm về việc phân chia 3 mức điểm này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho biết: “Việc phân chia thành 3 mức điểm sẽ giúp cho việc phân tầng các trường ĐH. Khi xã hội nhìn vào sẽ biết các trường đang ở mức nào. Các ngưỡng này cũng được áp dụng với từng ngành trong một trường ĐH. Khi các trường xác định ngưỡng cho từng ngành, bản thân ngưỡng đó đã nói lên chất lượng rồi, ý nghĩa quan trọng trong việc phân thành ngưỡng là như vậy. Đặc biệt đối với những ngành xét môn chính thì ngưỡng này được làm cơ sở để tính điểm xét tuyển tối thiểu giúp những TS giỏi môn thi chính có cơ hội trúng tuyển”.

Trả lời PV Thanh Niên về việc khi xem xét các mức điểm năm nay, Bộ đã loại ra những TS ảo do thi 2 khối hay chưa, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Bộ chỉ thống kê số TS thi đủ 3 môn thi. Tuy nhiên dù có TS ảo thì nguồn tuyển năm nay vẫn rất dồi dào”.

Cân nhắc giữa thương hiệu và số lượng

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc Bộ có bắt buộc tất cả các trường phải công bố ngưỡng xét tuyển hay không, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ không yêu cầu tất cả các trường phải công bố ngưỡng xét tuyển bởi có nhiều trường ĐH lấy điểm cao hơn mức đó”. Các mức điểm mà Bộ công bố là để xã hội nhận biết được trường đó nằm trong tốp nào. Các trường có thể nhìn vào đó để chọn mức điểm chuẩn phù hợp đồng thời có ý thức xây dựng thương hiệu. Ví dụ lấy mức trên 17 điểm chỉ có 30% TS đạt được nhưng nếu lấy dưới mức đó thì có tới 40% TS đạt được. Vì thế nếu chọn mức 1 (mức điểm cao nhất) thì còn thiếu vài TS nhưng nếu chỉ lấy thấp hơn 0,5 điểm thì lại ở mức 2. “Vì vậy các trường phải cân nhắc và quan tâm đến thương hiệu chứ không chỉ lấy đủ chỉ tiêu. Những trường có ý thức xây dựng thương hiệu sẽ không chạm “xuống đáy” để lấy TS. Đặc biệt, khi có các mức tương ứng với số TS đạt được như vậy, các trường có thể làm căn cứ để dành chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2”, ông Ga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng cho biết, các trường đã công bố nhân hệ số môn thi chính thì phải công bố mức điểm xét tuyển cơ bản thì xã hội mới biết họ ở nhóm nào vì khi nhân hệ số có thể điểm sẽ rất cao. Đồng thời họ phải dựa vào mức điểm này để nhân hệ số môn chính.

Rất đông thí sinh đủ điều kiện nhưng không trúng tuyển

Theo số liệu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, với mức điểm tối thiểu năm nay sẽ có rất đông TS đạt nhưng không trúng tuyển. Cụ thể: khối A có 251.650 TS đạt nhưng chỉ tiêu chỉ có 150.000. Như vậy sẽ có 101.650 TS đủ điều kiện xét tuyển nhưng không trúng tuyển. Khối A1 có 89.574 TS đạt trong khi có 55.000 chỉ tiêu, số dư là 34.574. Khối B có 47.000 chỉ tiêu nhưng có tới 160.252 TS đạt nên số TS bị loại lên tới 113.252. Khối C có 24.000 chỉ tiêu nhưng số TS đạt mức điểm này là 37.644, số dư là 13.644. Khối D1, số TS đạt là 113.221 nhưng chỉ có 68.000 chỉ tiêu, như vậy có 45.221 TS sẽ bị loại.

Điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM là ngành bác sĩ đa khoa

Ngày 8.8, Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố điểm chuẩn. Ngành có điểm chuẩn cao nhất trường này là bác sĩ đa khoa với 26 điểm. Các ngành còn lại, điểm chuẩn cụ thể như sau: bác sĩ răng - hàm - mặt 24,5; dược học 25; bác sĩ y học cổ truyền 22,5; điều dưỡng đa khoa 21; y tế công cộng 18,5; xét nghiệm y học 23,5; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng 21; kỹ thuật y học hình ảnh 21,5; phục hình răng 21,5; điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh 19,5; điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức 20,5; bác sĩ y học dự phòng 22.

Xem thông tin chi tiết về điểm chuẩn các trường tại www.thanhnien.com.vn.

Hà Ánh

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.