Đây là kết quả khảo sát hơn 1.600 ứng viên là sinh viên mới ra trường trong báo cáo “Sinh viên mới ra trường cùng những cơ hội và thách thức trong bước đầu của sự nghiệp” vừa được Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam công bố chiều 18.12.
Theo báo cáo, kiến thức sinh viên được đào tạo vẫn có khoảng cách với thực tế làm việc. 61% ý kiến cho biết kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn. Trong đó 32% ứng viên cho rằng phải tự mình tìm hiểu thêm và 29% được công ty đào tạo lại khi đi làm. 39% ứng viên đồng tình rằng kiến thức đào tạo không có khác biệt nhiều và có thể áp dụng được.
Chỉ ra những rào cản đối với sinh viên mới ra trường khi tìm kiếm việc làm, 38% ý kiến cho biết họ không có định hướng nghề nghiệp cụ thể nên cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, ứng viên trẻ cũng gặp rào cản vì “chưa biết cách tìm việc hiệu quả” và “chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng” đều chiếm 35% ý kiến.
Một bộ phận không nhỏ sinh viên cảm thấy thiếu định hướng nghề nghiệp, 67% ý kiến cho rằng nhà trường cần tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp thực tế, 66% ý kiến đồng tình nhà trường cần giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua liên kết với doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 34% sinh viên mới ra trường có mức thu nhập nằm trong khoảng từ 5 triệu đến dưới 7 triệu. Theo sau đó là 29% ứng viên có mức lương từ 7 triệu đến dưới 10 triệu.
37% ứng viên trình độ ngoại ngữ lưu loát lương trên 10 triệu/tháng
Đối với trình độ ngoại ngữ, hơn 60% công việc đòi hỏi ứng viên có trình độ nhất định (31% yêu cầu giao tiếp cơ bản, 22% yêu cầu đọc hiểu văn bản và 13% yêu cầu sử dụng lưu loát 4 kỹ năng). Đáng chú ý, có đến 95% ứng viên trong nhóm này có mức lương dưới 10 triệu trong khi nhóm ứng viên có trình độ ngoại ngữ lưu loát có đến 37% có mức lương trên 10 triệu.
Với kết quả trên, đa số ứng viên không hài lòng với mức lương thưởng, đãi ngộ và cơ hội phát triển trong công việc hiện tại. Đây cũng chính là 2 lý do phổ biến khiến ứng viên thay đổi công việc để tránh lãng phí thời gian cho công việc không phù hợp và có thêm cơ hội tiếp xúc nhiều môi tường làm việc. Ngoài ra, không phù hợp với văn hóa công ty cũng nằm trong top những lý do ứng viên nghỉ việc.
Về xu hướng khởi nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy có đến 24% ứng viên đã từng khởi nghiệp ít nhất 1 lần; hơn một nửa số ứng viên được khảo sát chưa từng khởi nghiệp nhưng có ý định trong tương lai, trong khi đó chỉ có 26% ứng viên không có ý định khởi nghiệp.
Ngoài ra, nhân lực trẻ đang dần có nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 46% ứng viên quan tâm và có những hành động chuẩn bị thay đổi, thích ứng. Tuy nhiên vẫn có phần đông ứng viên rất ít quan tâm, không quan tâm và đưa ý kiến trung lập.
Để phát triển nhóm nhân lực trẻ thành lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai lâu dài, ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group Việt Nam, đề xuất các doanh nghiệp nên quan tâm đến giai đoạn “bản lề”, chú trọng vào chiến lược tăng cường “Trải nghiệm nhân viên” (Employee Journey) từ khâu tiền tuyển dụng, tuyển dụng, gia nhập công ty và thời gian thử việc.
Bình luận (0)