Theo Bloomberg, trái ngược đại đa số người lao động về hưu ở tuổi 65, không ít người tại đảo quốc sư tử, nơi tuổi thọ người dân đạt gần 85 tuổi, vẫn được thúc đẩy đi học kỹ năng mới và học để duy trì năng suất làm việc.
Valerie Yeong-Tan, người làm việc tại Singapore Telecommunications trong 47 năm, là một ví dụ. Bà là quản trị viên của bộ phận nhân sự, không có kiến thức lập trình nhưng gần đây bị thuyết phục để tham gia các khóa học xây dựng bot và cải thiện kỹ năng.
"Học tập là quá trình lâu dài. Tôi muốn giữ tâm trí mình hoạt động. Tôi cũng hi vọng sẽ khuyến khích và truyền cảm hứng cho thế hệ công nhân trẻ, cho họ thấy rằng bạn vẫn có thể học được kỹ năng mới dù bạn đã đi xa đến đâu trong sự nghiệp", nữ nhân viên 65 tuổi này chia sẻ.
|
Yeong-Tan tham gia khóa đào tạo Bot Maker TRaining kéo dài bốn ngày và Bot Maker Hackathon kéo dài hai ngày do Singtel tổ chức. Thuật ngữ lập trình cơ bản trước đây xa lạ song giờ đây, bà có thể sử dụng kỹ năng mới để tự động hóa các quy trình làm việc như báo cáo, soạn thảo ngân sách và các nhiệm vụ lặp đi lặp lại khác, giúp bà tiết kiệm nhiều giờ mỗi ngày.
Singapore có năng suất lao động giảm và lực lượng lao động đang già đi. Người lao động vì thế được khuyến khích học kỹ năng cần thiết cho thế giới kỹ thuật số. Cơ quan như Workforce Singapore và SkillsFuture Singapore điều hành một số chương trình để giúp người lao động tiếp cận, tìm việc làm. Năm ngoái, 431.000 người Singapore sử dụng SkillsFuture Credit để trợ cấp các khóa đào tạo nghề được chính phủ phê duyệt.
Các doanh nghiệp cũng nỗ lực trong vấn đề này. Singtel sẽ đầu tư 45 triệu đô la Singapore, tương đương 32,7 triệu USD trong ba năm tới để nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho nhân viên. Hãng cung cấp khóa học, chương trình đào tạo nội bộ bổ sung cho nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ từ 5G cho đến phân tích dữ liệu.
Hãng công nghệ Đức SAP năm ngoái hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục địa phương để cung cấp khóa học trong chương trình SAP Skills University Singapore, đặt mục tiêu vào các chuyên gia trung cấp. Đào tạo lại ngày càng cần tiết khi khoảng cách kỹ năng toàn cầu nới rộng. IBM cho biết hồi tuần trước rằng trong ba năm tới, khoảng 120 triệu lao động tại 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới cần được đào tạo lại vì trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Bình luận (0)