7 biện pháp phòng tránh ung thư vú

28/10/2022 05:00 GMT+7

Tháng 10 hằng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là Tháng Nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn thế giới , để mọi người hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh, cách phòng chống, cách phát hiện và điều trị sớm ung thư vú.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất thế giới. Theo thống kê năm 2020 tại VN của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Hơn 9.300 người chết vì ung thư vú mỗi năm, chiếm 7,6% tổng số ca tử vong do ung thư. Hơn 21.500 ca mới mắc ung thư vú mỗi năm, chiếm 11,8% tổng số ca ung thư.

Cần lưu ý, ai cũng có thể mắc ung thư vú. Hằng năm thế giới có khoảng 3.000 nam giới mắc căn bệnh này.

Trong hình là chiếc nơ hồng khổng lồ - biểu tượng phòng ngừa ung thư vú được tạo nên từ người tham gia Ngày hội Nón hồng 2018

Mạng lưới Ung thư vú VN

Mạng lưới Ung thư vú VN - BCNV đưa ra những hướng dẫn và lưu ý cụ thể về cách phòng bệnh.

Các dấu hiệu cho thấy bạn cần đến bệnh viện/cơ sở y tế để được khám kỹ hơn nhằm phát hiện kịp thời những bệnh lý về tuyến vú: có khối u ở ngực; có thay đổi kích thước hoặc hình thù tuyến vú; núm vú rỉ máu, tiết dịch; phần da phía trên núm vú đổi màu, dày lên hoặc nhăn nhúm; có hạch ở hố nách hoặc phía trên xương quai xanh. Phụ nữ trên 30 tuổi nên định kỳ khám vú kết hợp khám phụ khoa tại các cơ sở y tế uy tín ít nhất 1 lần/năm. Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các nguyên nhân và nguy cơ dẫn đến căn bệnh này: tuổi càng lớn, khả năng mắc ung thư vú càng cao; tiền sử gia đình có mẹ, chị, em gái mắc ung thư vú; ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia mỗi ngày; đột biến gien di truyền; béo phì; ít vận động thể chất; hút thuốc lá; có kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); mô vú đặc, tiền sử xạ trị, tiền sử mắc các bệnh vú lành tính, điều trị kết hợp hormone thay thế...

Với các nguy cơ liên quan đến lối sống, cách tốt nhất để phòng bệnh là thay đổi hành vi, thói quen để thực hiện một lối sống lành mạnh, cân bằng.

Mạng lưới Ung thư vú VN - BCNV gợi ý 7 biện pháp phòng bệnh:

1/ Sống lành mạnh. Chấm dứt bia rượu, thuốc lá. Ăn uống điều độ.

2/ Biết rõ tiền sử mắc ung thư vú trong gia đình.

3/ Tránh điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế.

4/ Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.

5/ Nuôi con bằng sữa mẹ.

6/ Tự khám vú hằng tháng.

7/ Nếu có đủ điều kiện, nên sinh con đầu lòng trước 30 tuổi.

Ao ngực đang bị "hiểu lầm" ra sao?

Ngày hội Nón hồng

Là sự kiện thường niên do Mạng lưới Ung thư vú VN tổ chức, diễn ra vào tháng 10 - Tháng Nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn cầu, Ngày hội Nón hồng nhằm kết nối cộng đồng cùng thực hiện các hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ sớm, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, cũng như chia sẻ và tiếp sức cùng những người đang chống chọi với căn bệnh này.

Ngày hội Nón hồng 2022 sẽ diễn ra từ 9 - 18 giờ ngày 30.10 tại Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (2 Hồ Xuân Hương, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) với các hoạt động: cắt tóc, hiến tóc, hỗ trợ áo lót và miếng đệm cho bệnh nhân ung thư vú; tham gia triển lãm và trải nghiệm các hoạt động đồng hành với bệnh nhân; hội thảo chuyên đề cùng bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực ung thư vú (9 - 11 giờ 30); nhảy Zumba (môn thể dục kết hợp âm nhạc giúp vận động theo nhịp điệu và xả stress) cùng các HLV Zumba quốc tế và các bệnh nhân (16 giờ 30 - 18 giờ). Sự kiện mở cửa tự do, riêng chương trình Zumba có bán vé và toàn bộ lợi nhuận từ việc bán vé được quyên góp cho các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú như: có tóc giả làm từ tóc thật, áo ngực cho người đã phẫu thuật vú, các buổi thiền - yoga - chánh niệm và rất nhiều hỗ trợ thiết thực khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.