Thông tin này được doanh nghiệp phản ánh tại hội thảo “Tác động của luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN tổ chức hôm qua 29.7, cho thấy sự chồng chéo trong quản lý và rất nhiều rào cản kìm hãm doanh nghiệp phát triển.
Thủ tục hành chính là nút thắt của môi trường kinh doanh VN nhiều năm nay - Ảnh: M.Q |
Thông tin này được doanh nghiệp phản ánh tại hội thảo “Tác động của luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm qua 29.7, cho thấy sự chồng chéo trong quản lý và rất nhiều rào cản kìm hãm doanh nghiệp phát triển.
Tiền kiểm, hậu kiểm đều buông
|
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN (CACD), nêu vấn đề: “Điều kiện kinh doanh hiện nay rất tinh vi, có những quy định rất khắt khe, ngoài luật. Ví dụ như luật Quản lý thuế có những quy định buộc doanh nghiệp (DN) ở mức nào mới được khai thuế, Bộ Tài chính đưa thêm các quy định mới ngoài luật… Nhiều bộ, ngành khác cũng vậy, khiến tình trạng giấy phép con ban hành quá nhiều và không chấm dứt được, hạn chế quyền kinh doanh
của DN”.
Từ thực trạng này, ông Tiền cho rằng để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của DN, chỉ nên để cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội - quy định về những lĩnh vực hạn chế kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Trong trường hợp điều kiện kinh doanh đã quy định, cần thay đổi nhưng chưa sửa luật được thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi. “Nếu để Chính phủ quy định sẽ kéo dài mãi tình trạng các bộ, ngành ban hành một loạt giấy phép con”, ông Tiền nói.
Cũng theo ông Tiền, một khiếm khuyết của luật DN hiện hành là không quy định rõ về vấn đề hậu kiểm nên để xảy ra tình trạng nhiều DN thành lập chỉ để mua, bán hóa đơn, dẫn đến thực trạng Bộ Tài chính siết chặt, ban hành quy định không cho phép các DN nhỏ và vừa mới thành lập được khấu trừ thuế VAT. “Tình trạng hiện nay là tiền buông mà hậu cũng buông. Có những DN nói rằng, không nên quy định hậu kiểm vì chưa có quy định, một năm cũng mấy đoàn vào kiểm tra, thanh tra nhưng theo tôi, việc nào ra việc đó. Nếu luật quy định, một năm chỉ có một đoàn vào thanh tra thì DN chỉ tiếp một đoàn thôi. Như vậy, sẽ rõ ràng hơn”, ông Tiền lập luận.
Tạo thuận lợi cho DN được “chết”
|
Ông Lương Đức, đại diện Sở Công thương Hà Nội, cho rằng trong việc sửa đổi lần này cần phải có những quy định làm rõ vai trò của luật DN và các luật chuyên ngành. Nếu luật DN mới ra mà luật chuyên ngành không sửa thì không có ý nghĩa gì hết. Lâu nay, người ta thường nghiêng về áp dụng luật chuyên ngành, chứ không căn cứ vào luật DN nên nếu chỉ làm đúng luật DN vẫn chưa ổn. Ông Vũ Xuân Tiền cũng cho rằng, cơ quan hành pháp luôn có xu hướng đặt ra các thủ tục, quy định để thuận tiện cho công việc và quyền của họ, cho nên các quy định về kinh doanh ở các luật chuyên ngành nên đưa hết về luật DN.
Theo ông Mai Huy Tân, Chủ tịch Công ty thực phẩm Đức Việt, việc sửa luật DN lần này cũng cần phải quan tâm sửa đổi các chính sách tạo thuận lợi cho cả nửa triệu DN tư nhân hiện đang hoạt động. “Công ty chúng tôi có một sản phẩm là cái xúc xích mà hiện giờ có tới 7 bộ quản lý: Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ TN-MT, Bộ Công thương, ngành thuế, hải quan và kể cả Bộ Công an. Họ đi soi mói, phạt cả việc sơn thùng không đúng màu, trong khi ở nhiều nước DN kinh doanh thực phẩm chỉ chịu sự quản lý của Cục Quản lý thực phẩm mà thôi”, ông Tân nói. Ông Tân kiến nghị, cần bổ sung quy định làm sao cho việc giải thể DN được nhanh chóng. “Tôi có một DN chăn nuôi, cũng không phải thua lỗ nhưng đã qua thời điểm kinh doanh rồi, không muốn cho tồn tại nữa nhưng đã 8 năm không làm được thủ tục phá sản. Không hoạt động gì mà năm nào cũng phải nhận công văn, giấy tờ thông báo của Cục Thuế”, ông Tân nói.
Về ý kiến này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cho rằng trong 3 năm qua, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể rất lớn nên việc sửa luật cũng phải xem lại các điều kiện, thủ tục phá sản. Bên cạnh đó, luật DN sửa đổi cần phải tạo điều kiện hơn nữa để 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay xúc tiến, chuyển qua đăng ký, lập DN dễ dàng hơn.
Mạnh Quân
>> Thủ tục hành chính về đất đai như 'thiên la địa võng
>> Tuyến metro số 2 chậm trễ vì thủ tục hành chính
>> Kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng để gỡ khó cho doanh nghiệp
>> Mất quá nhiều thời gian cho thủ tục hành chính
>> Có dự án đầu tư phải qua 33 thủ tục hành chính, chờ 865 ngày
>> Bãi bỏ 35 thủ tục hành chính
Bình luận (0)