7 cái khó của cao tốc Bắc - Nam

17/10/2018 10:03 GMT+7

Việc giới hạn lãi suất quanh 7,72% khiến cao tốc Bắc - Nam khó huy động vốn; kể cả có nâng lên bằng lãi suất thị trường, vốn vẫn khó huy động. Trong khi đó, vốn không phải là cái khó duy nhất với dự án này.

Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải nêu 7 khó khăn trong việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, gồm: lãi suất vốn vay, quản lý quy hoạch, khả năng huy động vốn tín dụng, mức giá dịch vụ, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư và tiến độ thực hiện dự án.
Dự án tốt nhất cũng khó tìm vốn
Dẫn quy định tại Thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính về mức lãi suất vốn vay để thực hiện dự án BOT “không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP (hợp đồng dự án) trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công”, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Bộ tính toán mức lãi suất vốn vay khoảng 7,72%/năm làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án BOT. Tuy nhiên, mức lãi suất vay dài hạn thực tế của thị trường tín dụng hiện nay khoảng 10,5 - 11%.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mức lãi suất quy định đang có sự chênh lệch rất lớn so với mức lãi suất dài hạn của thị trường tín dụng, gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cũng như khả năng các ngân hàng xem xét để cung cấp tín dụng cho dự án là khó khả thi.
Cũng theo Bộ này, thực tế, một số dự án quan trọng, có khả năng thu hồi vốn rất cao (như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ) cũng đang bị đình trệ do khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp được tín dụng. Đây là thách thức lớn đối với sự thành công của các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 14.9, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp với các bộ, ngành để xem xét và giao cho Bộ Tài chính ban hành thông tư theo hướng lãi vay phù hợp với thị trường.
Sau khi thông tư xác định lãi suất vốn vay được ban hành, Bộ Giao thông vận tải sẽ cập nhật phương án tài chính, xác định cụ thể mức vốn đầu tư của nhà nước và thời gian hoàn vốn, làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo tính toán sơ bộ, trường hợp cập nhật theo lãi suất thị trường (khoảng 10,5%/năm), mức vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện các dự án khoảng 55.000 tỉ đồng như ban đầu, chứ không giảm được 4.000 tỉ đồng như tính toán mức lãi suất 7,72%, với thời gian hoàn vốn các dự án đầu tư theo hình thức BOT khoảng 24 năm.
Huy động vốn nước ngoài là khó khả thi
Trong điều kiện hiện nay, quy định của pháp luật chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các ngân hàng nước ngoài (bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng từ các tổ chức bảo lãnh, bảo hiểm như MIGA, NEXI…), nên theo Bộ Giao thông vận tải, việc huy động nguồn tín dụng nước ngoài là khó khả thi.
Trong khi đó, thị trường tín dụng dài hạn trong nước chưa phát triển, dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao. Các ngân hàng trong nước chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” với cho vay BOT, quy định từ ngày 1.1.2018 tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là 40%. Phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước đều đang ở mức giới hạn, không thể cho vay thêm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng. Do vậy, trường hợp tháo gỡ được khó khăn về mức lãi suất vốn vay, việc huy động nguồn cung cấp tín dụng cho dự án cũng còn khó khăn nhất định.
Khó trăm bề, 8 dự án BOT khó về đích
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để lập hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng, nhưng còn nhiều vướng mắc về khung pháp lý, như việc đền bù của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi cơ quan nhà nước vi phạm điều khoản hợp đồng (ví dụ như việc giải phóng mặt bằng chậm, bố trí phần vốn tham gia của nhà nước không đảm bảo tiến độ hoặc không đủ ảnh hướng đến tiến độ dự án...). Sau khi có kết quả nghiên cứu đầy đủ của tư vấn, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Từ thực tiễn cho thấy, để triển khai thành công các dự án BOT (8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam) phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia, sự đồng thuận của nhân dân...). Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Với hàng loạt vấn đề khó khăn này, Bộ Giao thông vận tải cho biết 3 dự án đầu tư công sẽ cơ bản hoàn thành đúng tiến độ nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; nhưng với các dự án BOT, giải phóng mặt bằng chưa giải quyết được vấn đề. Bộ Giao thông vận tải cho rằng “còn cần có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.