7 cơ sở kinh doanh trang sức ngà voi bị phạt hơn 2 tỉ đồng

11/07/2022 18:12 GMT+7

Đây là con số được cơ quan chức năng thông tin tại buổi tọa đàm về truyền thông trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã được Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) và Sở Thông tin - Truyền thông Đắk Lắk phối hợp tổ chức ngày 11.7.

Phạt 7 cơ sở vi phạm hơn 2 tỉ đồng

Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, cho biết qua thống kê của trung tâm, trong vòng 16 năm qua tại nước ta xảy ra 21.000 vụ vi phạm liên quan đến các hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán động vật hoang dã. Việc này không chỉ làm mất cân bằng sinh thái, mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước chúng ta.

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh thông tin về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã

hoàng bình

Riêng tại Đắk Lắk, từ năm 2018 đến nay, ENV thống kê có 18 vụ vi phạm pháp luật với 23 đối tượng liên quan đến động vật hoang dã. Để góp phần từng bước tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, chung tay bảo vệ động vật hoang dã tại Đắk Lắk, ENV đã thành lập được câu lạc bộ tình nguyện với hơn 20 thành viên (chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng) tại TP.Buôn Ma Thuột.

Tại buổi tọa đàm, thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong tháng 3 vừa qua, Phòng này đã triển khai kế hoạch kiểm tra đối với 20 cơ sở, hộ kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức, lưu niệm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như ngà voi, răng nanh, móng vuốt... Sau đợt kiểm tra, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 7 cơ sở vi phạm số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Khó khăn trong xử lý

Tuy nhiên, theo chia sẻ của thiếu tá Nguyễn Thế Anh, để có căn cứ xử lý những cơ sở kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã thực sự rất phức tạp vì khâu giám định, xác định thành phần, chủng loại thực sự tốn kém, mất nhiều thời gian. “Có khi kiểm tra hơn 700 sản phẩm, mỗi sản phẩm có chi phí giám định khoảng 4 triệu đồng. Hơn thế, chúng tôi phải gửi mẫu ra Hà Nội, thậm chí ra nước ngoài nên mất nhiều thời gian”, thiếu tá Anh thông tin.

Bà Hà mong được hỗ trợ, phổ biến pháp luật về động vật hoang dã sâu rộng hơn nữa tại Đắk Lắk

hoàng bình

Thiếu tá Anh nói thêm, trên thực tế nhiều hộ vi phạm chưa nhận thức được hành vi, không biết mình vi phạm trong kinh doanh vì thấy xã hội có nhu cầu; một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến động vật hoang dã chưa được sâu rộng.

Theo bà Bùi Thị Hà, những năm qua trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản các thông tin rao bán các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã như mật gấu, sừng tê giác, ngà voi, vẩy tê tê… Thực tế, từ năm 2017 đến nay Bộ luật Hình sự đã quy định khắt khe hơn, nhiều vụ án, nhiều đối tượng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã đã chịu mức án tương đối cao. Tuy nhiên, công tác phòng chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã cần nhiều hơn sự chung tay góp sức từ người dân.

Những sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã từng được bày bán ở Đắk Lắk

Trung Chuyên

“Đến Đắk Lắk, vào các cửa hàng lưu niệm, khách sạn đâu đâu cũng có các sản phẩm liên quan đến ngà voi, lông đuôi voi… Qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, lực lượng tình nguyện các kênh truyền thông để tuyên truyền sâu rộng hơn, phổ biến đến người dân, nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã”, bà Hà đề nghị.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông Đắk Lắk cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với ENV để bàn bạc, đưa ra các giải pháp tuyên truyền cụ thể, nhằm phổ biến một cách hiệu quả nhất các quy định của pháp luật về động vật hoang dã trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.