7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép từ 1-2 tháng

11/08/2022 14:38 GMT+7

Các doanh nghiệp đầu mối này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện có 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động.

Các quyết định tước giấy phép các doanh nghiệp đầu mối này có hiệu lực từ tháng 7

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26.7.2022); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18.7.2022); Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13.7.2022); Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28.7.2022); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19.7.2022); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7.7.2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12.7.2022).

Những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký, cấp giấy phép thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu…

Đáng lưu ý, những doanh nghiệp này bị tước giấy phép hoạt động từ tháng 7, nhưng đến nay mới được Bộ Công thương đăng tải thông tin công khai. Thế nên, các hoạt động mua bán kinh doanh, đặt hàng... giữa các thương nhân đầu mối, nhà máy lọc dầu, thương nhân xuất nhập khẩu... vẫn diễn ra trong thời gian qua. Theo quy định, việc mua bán, giao dịch như vậy nếu diễn ra trong thời gian doanh nghiệp đã bị tước giấy phép được coi là hành vi mua bán trái phép xăng dầu, hoặc xuất nhập khẩu lậu xăng dầu. Điều này khiến nhà máy lọc dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối sẽ phải đối diện với nguy cơ bị xử phạt mua bán trái phép xăng dầu trên thị trường.

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam phân tích, thường bị tước giấy phép, doanh nghiệp phải được thông báo trước ít nhất 10 - 15 ngày để tạm dừng giao dịch mua bán với các nhà máy, thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nhằm tránh vô tình bị vi phạm pháp luật. Bởi việc giao dịch, mua bán xăng dầu với những doanh nghiệp bị tước giấy phép là sai quy định của pháp luật.

Theo Bộ Công thương, trong danh sách 38 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, có 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ 1 đến 2 tháng như trên. Trước đó, trong tháng 2.2022, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại ba miền, cùng đoàn giám sát hoạt động thanh tra. Nội dung kiểm tra tập trung các hoạt động kinh doanh, giấy phép, nhập khẩu, cơ sở vật chất kho bãi... của các doanh nghiệp đầu mối từ đầu năm 2021 đến tháng 2.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.