7 hạn chế về chính sách lao động, việc làm tại TP.HCM

24/05/2024 04:19 GMT+7

TP.HCM đối diện với nhiều thách thức trong thị trường lao động hiện nay, nhất là tỷ lệ giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động còn chưa cao; chăm lo an sinh xã hội còn hạn chế...

Mới đây, UBND TP.HCM phê duyệt chiến lược lao động - việc làm năm 2023 - 2025 và tầm nhìn cho tới năm 2030.

Theo chiến lược này, UBND TP.HCM phân tích cụ thể nhiều mặt đạt được lẫn hạn chế về chính sách lao động - việc làm tại TP.HCM ở giai đoạn 2011 - 2022. Trong đó, có 7 điểm thách thức như sau:

Thứ nhất, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị, chưa sát với đặc thù nghề nghiệp và tính chất lao động của một số ngành; chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao. Việc phát triển bảo hiểm xã hội có tăng số người tham gia nhưng không cao, nhất là nhóm lao động ở khu vực phi chính thức. Chưa kể, vẫn còn xảy ra phổ biến tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là việc doanh nghiệp trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội).

Thứ ba, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp và chưa thu hút được người lao động học nghề. Chi phí hỗ trợ học nghề cho các diện như hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ, lao động nông thôn, lao động, bị thu hồi đất còn ít (từ 2 - 3 triệu đồng/người/khóa học).

Thứ tư, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, TP.HCM đối diện thực trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa được tinh giản. Kết quả thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 chưa đạt được theo kế hoạch; trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời.

Với giáo dục đại học còn nhiều ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tiễn, thậm chí một số ngành nghề bị thiếu hụt như ngành văn hóa truyền thống và văn hóa di sản; ngành thiết kế vi mạch và các ngành ứng dụng công nghệ cao khác. Trong đó, đối với ngành thiết kế vi mạch, TP.HCM thiếu khoảng 20% nhân lực chất lượng cao.

Chính sách về lao động, việc làm TP.HCM hiện nay còn nhiều điểm nghẽn

Chính sách về lao động, việc làm TP.HCM hiện nay còn nhiều điểm nghẽn

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Thứ năm, về tranh chấp lao động, yêu cầu thực tiễn theo hướng giảm sự can thiệp hành chính, tăng tính chủ động của các bên trong quan hệ lao động và theo dõi tình hình quan hệ lao động của doanh nghiệp sau đình công. Do đó, đặt ra yêu cầu cao về củng cố, kiện toàn các thiết chế hòa giải tranh chấp lao động là hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động.

Thứ sáu, về nhà ở, các quy định về đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Điều này dẫn đến nghịch lý nhiều người không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn phải tìm đến nhà ở xã hội, nhưng chính họ lại không thuộc đối tượng thu nhập thấp theo quy định hiện tại.

Thứ bảy, số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc tại TP.HCM rất hạn chế và tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.

Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn thiếu nhân lực chất lượng cao, chưa được quan tâm, mở rộng diện được áp dụng chính sách; chưa có cơ chế, chính sách tài chính đặc biệt, có tính đột phá (chế độ thu nhập, phương thức tài trợ kinh phí nghiên cứu). Chính sách về lương, phụ cấp đối với trí thức là công chức, viên chức chưa phù hợp với nguyên tắc của thị trường lao động.

UBND TP.HCM cũng trích dẫn báo cáo đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Qua đó, cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học của Việt Nam còn thua nhiều nước trong khu vực. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam còn ở mức thấp, chỉ trên Ấn Độ và gần tương đương Philippines, Indonesia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.