Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng GD-ĐT gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước. Vì vậy hầu hết giáo viên rất mong chờ cuộc gặp gỡ này.
Là giáo viên THCS có 37 năm công tác, sắp được về nghỉ hưu theo chế độ, xin được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT những mong ước cùng kiến nghị sau.
Học sinh học giỏi, chăm ngoan hơn
Khi năm học mới sắp bắt đầu, nhiều người hỏi giáo viên chúng tôi có mong ước gì? Không ngập ngừng tôi và tất cả thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước chắc có cùng chung câu trả lời: "Đối với giáo viên thì mong muốn lớn nhất vẫn là có nhiều học sinh học giỏi, chăm ngoan" trong năm học mới 2023-2024.
Học giỏi, chăm ngoan mà cụ thể chính là mong muốn học sinh giỏi, vững về kiến thức, thực hiện thành thạo: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác… (10 năng lực); Chăm ngoan chính là ở sự lễ phép, vâng lời, biết kính trọng thầy cô, yêu nước, nhân ái… ( 5 phẩm chất). Đó chính là mục tiêu yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến. Song hiện nay vấn nạn bạo lực học đường vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong xã hội làm ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường, sự an tâm, an toàn cho học sinh. Vì vậy ngành giáo dục cần chú trọng để các em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Giáo viên sống được bằng lương
Việc tăng lương cơ bản từ 1.7.2023 thêm 20,8% chỉ là sự động viên tinh thần thầy cô, bởi thực tế số tiền tăng đó không theo kịp nhịp điệu gia tăng giá cả của hàng hóa cùng với nhu cầu đời sống ngày càng cao.
Có 37 năm giảng dạy sắp được nghỉ hưu theo chế độ nhưng tài sản chỉ là ngôi nhà cấp bốn xây trên miếng đất nhỏ do cha mẹ vợ cho đang xuống cấp, nếu nói thầy cô tích lũy tiền lương tháng để mua đất cất nhà được thì chỉ là ước mơ xa vời. Vậy rất mong việc thực hiện thang bảng lương mới, trả lương theo vị trí việc làm giúp thầy cô có cuộc sống đỡ vất vả hơn trong năm học đến và trong tương lai gần để giáo viên sống được bằng lương, không phải bán hàng online, làm shipper giao hàng, gia sư…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói gì trước nỗi lòng của giáo viên mầm non
Miễn học phí cho học sinh
Nếu được, các địa phương nên miễn học phí cho học sinh để giảm bớt gánh nặng chi phí đầu năm của phụ huynh. Đây cũng là sự chia sẻ động viên khích lệ việc học.
Được biết năm học 2023- 2024, một số địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, còn một số địa phương đang cân nhắc việc này. Hy vọng ngày có nhiều địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh. Chính sách miễn giảm học phí sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển lâu dài cho nền giáo dục, học sinh không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, tất cả trẻ em đều được đến trường từ chính sách nhân văn này.
Kiến nghị tủ sách dùng chung
Thực hiện một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng tất yếu, thuận lợi cho thầy cô và học sinh trong việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, với nhiều bộ sách giáo khoa cũng có một số hạn chế nhất định, khi mỗi năm đều phải chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bộ sách trường A chọn khác trường B; sách địa phương A khác sách địa phương B. Việc này có thể gây lãng phí về sách giáo khoa, mỗi khi học sinh chuyển trường, chuyển địa phương.
Do vậy nên chăng mỗi trường cần có một tủ sách dùng chung để cho học sinh có khó khăn mượn sách mà không phải mua bộ sách mới, sách khác để học. Đồng thời kiến nghị việc chọn sách giáo khoa nên giao cho mỗi trường tự chọn nhằm phù hợp với học sinh từng trường.
Có giáo viên dạy môn tích hợp
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến nay bước vào năm thứ 4, sẽ kết thúc vào năm 2025. Chương trình có những môn học mới như tích hợp ở cấp THCS: Khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật, nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay chưa có giáo viên dạy những môn tích hợp nói trên được đào tạo chính quy để giảng dạy nên đa số các trường đã phân công thầy cô dạy đơn môn để dạy môn tích hợp.
Việc này cũng chỉ là chữa cháy mà thôi, không đúng với tinh thần chương trình dạy môn tích hợp. Vậy nên chăng Bộ GD-ĐT sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Chương trình giáo dục thành hay bại yếu tố chính là người thầy quyết định, vì vậy Bộ GD-ĐT cần có đầu tư tốt về nhân lực để giảng dạy thực chương trình mới thành công.
Giảm tải hồ sơ sổ sách, phong trào
Bộ GD-ĐT đã quy định về hồ sơ sổ sách cho giáo viên (THCS, THPT) theo quy định gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên; kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Tuy đã được tinh giảm về hồ sơ so với trước đây (trước 2020), song theo thầy cô vẫn còn thấy nặng về hồ sơ tốn thời gian cho sổ sách. Nên chăng giáo viên chỉ cần có kế hoạch bài dạy; sổ theo dõi và đánh giá học sinh là đáp ứng được mục tiêu yêu cầu giảng dạy.
Về phong trào, chỉ nên duy trì những phong trào liên quan đến hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: giao tiếp, ứng xử, thoát hiểm, sinh tồn là bắt buộc, còn các phong trào khác chuyển sang hoạt động dành cho các câu lạc bộ của trường (nếu trường có câu lạc bộ).
Nói không với thành tích
Vào đầu năm học, các trường đều tổ chức hội nghị viên chức để thông qua các chỉ tiêu, kế hoạch: duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần, lên lớp thẳng, học sinh giỏi trường, huyện, tỉnh, vào lớp 10 công lập, chất lượng bộ môn… để làm cơ sở xếp loại thi đua thầy cô vào cuối năm học. Chính điều này dẫn đến thầy cô phải vất vả hoàn thành chỉ tiêu kể cả việc "chạy" thành tích, làm đẹp học bạ, dạy thêm… bằng nhiều cách khác nhau để hoàn thành chỉ tiêu, nhất là những chỉ tiêu liên quan về điểm số, chất lượng bộ môn, những môn thi tuyển sinh vào lớp 10 (toán, ngữ văn, tiếng Anh). Do vậy thầy cô rất mong ngành giáo dục bãi bỏ chỉ tiêu thành tích, giảm áp lực thi đua có được không.
Có thể những mong ước và kiến nghị trên đây chưa đầy đủ và cũng chưa thể giải quyết được trong một năm học, nhưng hy vọng những mong ước kiến nghị của thầy cô được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm đừng để mong ước mãi chỉ là ước mong!
Bình luận (0)