7 năm đòi bồi thường oan sai

22/12/2013 09:15 GMT+7

Sau khi được đình chỉ điều tra, ông Trương Bá Nhàn (51 tuổi, ngụ Bình Phước) khổ nhọc đi đòi bồi thường oan sai.

7 năm đòi bồi thường oan sai

Ông Trương Bá Nhàn (trái) nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý đòi bồi thường oan sai - Ảnh: Gia Khánh

Rắc rối từ dấu vân tay

Vào khoảng 12 giờ ngày 12.12.2001, em N.T.N.P phát hiện bà H.T.K.A (mẹ P) bị giết chết tại nhà riêng trên đường Lạc Long Quân, P.11, Q.Tân Bình (TP.HCM), đồ đạc trong phòng ngủ bị lục tung nên trình báo cơ quan chức năng. Qua khám nghiệm dấu vết hiện trường, ngày 2.1.2002, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM xác định: “Dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở trong phòng ngủ của nạn nhân tại hiện trường với dấu ngón tay mang tên Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ tại Bình Phước) của cùng một người in ra”.

Ngay sau đó (ngày 3.1.2002), Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành bắt giữ Nhàn tại nhà trọ trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, đồng thời thu giữ số tiền 62 triệu đồng và 5 lượng vàng SJC. Số tài sản này gần như trùng khớp với lời khai của ông N.N.B (chồng bà K.A) mà nạn nhân bị mất (khoảng 60 - 80 triệu đồng và 4 - 5 lượng vàng SJC). Ngày 10.1.2002, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nhàn về tội giết người và cướp tài sản.

Ngày 18.2.2003, Viện KSND TP.HCM có cáo trạng truy tố Nhàn với 2 tội danh trên. Chứng cứ mà cơ quan công tố truy tố vỏn vẹn vài dòng: “Nhàn không chứng minh được khoảng thời gian từ 10 giờ 5 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 12.12.2001, sử dụng như thế nào cũng như dấu vân tay của Nhàn để lại hộc tủ đựng tiền. Do vậy, có đủ cơ sở để kết luận Trương Bá Nhàn thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản”.

Vụ án được đưa ra xét xử 3 lần, nhưng đều hoãn lại để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 8.6.2006, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với lý do: “Đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”.

“Chưa có hồi âm nên phải chờ”

Sau khi được thả tự do, ông Nhàn nhiều lần nộp đơn yêu cầu Viện KSND TP.HCM bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 với số tiền gần 900 triệu đồng cho thời gian ở tù oan hơn 3 năm 8 tháng.

Nhưng bất ngờ ngày 20.2.2008, ông Nhàn nhận được giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM yêu cầu lên lấy lời khai liên quan đến vụ án, đồng thời lấy máu để đi xét nghiệm ADN. Tiếp đến, ngày 10.3.2009, Viện KSND TP.HCM thông báo cho ông Nhàn biết hiện vụ án đang được cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, xác minh.

Sau đó, mọi việc vẫn rơi vào im lặng cũng như những lá đơn gửi đi nhiều nơi đòi bồi thường oan sai. Đến ngày 21.2.2013, Trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường (Cục Bồi thường nhà nước) có văn bản trả lời ông Nhàn: “Vụ việc của ông được bồi thường theo quy định tại điều 1 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17.3.2003 về bồi thường thiệt hại cho người oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. Viện KSND TP.HCM là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”. Sau khi nhận được văn bản của Trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, ông Nhàn tiếp tục làm đơn yêu cầu Viện KSND TP.HCM bồi thường oan sai, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Theo luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM), trường hợp của ông Nhàn đã có quyết định đình chỉ điều tra và Trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cũng đã trả lời rõ. “Về trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành bồi thường, tại điều 16, 17 và 18 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng quy định thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc thì phải giải quyết. Do đó việc chậm bồi thường, xin lỗi công khai đối với ông Nhàn vừa không đảm bảo quy định pháp luật vừa ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi hợp pháp của công dân”, luật sư Thanh nói.

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Thanh Niên vào ngày 20.12, một cán bộ Viện KSND TP.HCM cho rằng: “Hiện chúng tôi đang xem xét đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Nhàn. Tuy nhiên, trong hồ sơ có văn bản của Công an TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm nên chúng tôi phải chờ”.

"Thời gian bất minh”

Ông Nhàn cho biết, do ông với chồng nạn nhân là anh em bà con bạn dì nên thường xuyên đến nhà chơi. Cách hôm xảy ra vụ án khoảng một tuần, ông có vào phòng ngủ kê giùm tủ cho bà K.A nên có khả năng để lại dấu vân tay. Trong thời gian xảy ra án mạng, ông Nhàn nói mình có chứng cứ ngoại phạm. Cụ thể là sáng 12.12.2001, ông cùng với nhân chứng P.C.C đi bỏ mối khẩu trang đến 10 giờ 15 phút thì về nhà. Sau đó, ông đến phòng nha khoa tại P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức để làm răng (2 nhân chứng phòng nha đều xác nhận ông Nhàn đến làm răng vào lúc 11 giờ 30 phút).

“Theo CQĐT, từ khoảng 10 giờ 5 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 12.12.2001, tôi không chứng minh được sử dụng như thế nào. Xin thưa, với khoảng thời gian được cho là bất minh thì không khó để kiểm chứng nếu thử tính toán việc đi xe máy từ nhà tôi (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) đến nhà nạn nhân ở đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) và kết thúc là phòng răng ở P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) liệu có đủ để thực hiện hành vi giết người, lục tung đồ đạc, phi tang vật chứng”, ông Nhàn bức xúc. Cũng theo ông Nhàn, số tiền thu giữ ở nhà ông (62 triệu đồng và 5 lượng vàng SJC), CQĐT đã trả lại cho mẹ vợ ông vì đó là tiền bà bán đất, gửi con gái giữ giùm.

Gia Khánh

>> Cựu sinh viên đòi bồi thường oan sai hơn nửa tỉ đồng
>> Kiện đòi bồi thường oan sai trên 777 triệu đồng
>> Một công dân đòi bồi thường oan sai hơn 1,8 tỉ đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.