7 năm hành động, chiến lược điện ảnh rớt nhiều mục tiêu

09/12/2021 06:45 GMT+7

Nhiều mục tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã không thể hoàn thành.

Trong bản báo cáo tổng kết được ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ tại hội nghị tổng kết 7 năm thực hiện chiến lược điện ảnh do Bộ VH-TT-DL tổ chức hôm qua (8.12), chất lượng phim truyện điện ảnh Việt Nam năm 2020 được Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim có 0% phim đạt loại xuất sắc, 80% ở mức khá và 20% ở mức trung bình.

Tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại rạp chiếu trong nước chỉ chiếm 27,87% vào năm 2015 và 28,09% vào năm 2020. Tỷ lệ phim Việt Nam so với phim nước ngoài năm 2020 chỉ đạt 21% trong khi mục tiêu là 30 - 35%. Số lượng phim truyện điện ảnh Việt Nam năm 2015 sản xuất được 41 phim, hoàn thành so với mục tiêu, tuy nhiên năm 2020 chỉ có 36 phim, không hoàn thành so với mục tiêu 40 - 45 phim đề ra trước đó. Bên cạnh đó, số dự án hợp tác làm phim với nước ngoài không có sự thay đổi đáng kể sau nhiều năm, cụ thể năm 2013 có 24 dự án thì đến năm 2019 con số này là 35 dự án, và năm 2020 là 30 dự án.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim hiếm hoi được nhà nước đặt hàng đã thu hút khán giả và thành công về doanh thu

TL

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã gửi đến buổi hội nghị - hội thảo bài viết, trong đó nêu quan điểm: Để phát triển điện ảnh vào thời điểm này, rào cản kỹ thuật không còn là vấn đề đối với nền điện ảnh Việt Nam, mà điều quan trọng hơn là tư duy của nhà làm phim lẫn tư duy của người quản lý điện ảnh. “Chúng ta còn thiếu những bộ phim hay về nội dung, tư tưởng, góc nhìn độc đáo, hay tính chân thật, cũng như sự tự do sáng tạo để đem lại sự độc đáo và cảm xúc cho người xem”, anh bày tỏ.

Chia sẻ tại hội nghị, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng nhấn mạnh tới sự tự do trong sáng tác của nhà làm phim. “Tôn trọng những tìm tòi mới lạ cũng như thoáng đãng về đề tài, cách đề cập đề tài thì mới mong có phim hay được. Thử hỏi nếu nội dung làm đến tận cùng của sự mưu mô lừa gạt để ăn bám như phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc, nhà nước có dám cho làm không? Hay chúng ta sẽ có cái nhìn ngược lại, rằng chỉ nhà giàu mới ác, mới lắm mưu mô, còn người nghèo bao giờ cũng tốt và chăm chỉ?”, bà Ngát đặt câu hỏi.

Liên quan đến câu chuyện kiểm duyệt phim, GS-TS Trần Thanh Hiệp (Chủ tịch Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim) cho rằng sau những vụ việc phim ra rạp để lọt hình ảnh đường lưỡi bò, có thể thấy hội đồng bị thiếu 2 điều. Thứ nhất là thông tin từ nguồn tin chuyên ngành, thứ hai là hội đồng đứng ngoài sự phát triển của công nghệ. Ông Hiệp lấy ví dụ, một nhà mạng trong nước, mỗi ngày đưa lên mạng khoảng từ 5.000 - 8.000 clip (độ dài 5 phút/clip, tổng thời gian 8.000 clip khoảng 666 giờ), trong khi chỉ có 12 người làm nhiệm vụ kiểm soát với sự trợ giúp của công nghệ. Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ trong việc thẩm định và phân loại phim. Trong những phương án đề xuất, theo ông Hiệp, với những bộ phim phù hợp chiếu rộng rãi hoặc phù hợp cho đối tượng khán giả dưới 13 tuổi thì chủ sở hữu phim tự thẩm định và phân loại; việc duyệt chỉ cần thiết với những phim dành cho đối tượng khán giả trên 13 tuổi. Ngoài ra, ông Hiệp cũng đề xuất phương án đến một thời điểm phù hợp, tất cả phim Việt Nam có thể giao cho các cơ sở làm phim tự thẩm định, phân loại theo quy định của pháp luật. “Các cơ quan chức năng của nhà nước chỉ giám sát, thanh tra, hậu kiểm và duyệt các phim mà cơ sở làm phim không có khả năng và vi phạm hơn 1 lần quy định của pháp luật khi được tự thẩm định, phân loại”, ông Hiệp nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.