Căng thẳng đã tiếp tục xảy ra trong vài ngày qua giữa 7 ngân hàng cho Công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại 109/F8 Bến Vân Đồn, P.9, Q.4, TP.HCM) vay, tài sản bảo đảm là kho cà phê ở Bình Dương. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chậm chạp đứng bên ngoài sự lộn xộn này.
Bảo vệ của 2 ngân hàng cãi vã suýt dẫn đến xô xát chiều 6.12 - Ảnh: Đỗ Trường |
Như Thanh Niên đã thông tin, việc 7 ngân hàng cùng cử người đến một kho hàng của Công ty Trường Ngân (tại xã Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bảo vệ tài sản thế chấp đã gây ra cảnh lộn xộn kéo dài nhiều ngày qua, nhất là khi cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục xử lý tài sản này để thi hành bản án riêng cho Ngân hàng OCB.
“Điểm nóng” kéo dài
|
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện OCB cho biết năm 2012, Công ty Trường Ngân được ngân hàng này cấp hạn mức tín dụng với khối lượng hàng hóa cà phê tồn kho là 3.360 tấn, trị giá 134,4 tỉ đồng, lưu giữ tại kho của công ty. Trong quá trình vay vốn, công ty trả nợ đúng hạn nhưng từ đầu năm 2013 bắt đầu có dấu hiệu mất khả năng thanh toán nên ngân hàng tiến hành các thủ tục đòi số nợ hơn 93 tỉ đồng. OCB cho rằng họ đã nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc tiền vào hàng ra, hàng hóa thế chấp cũng được cách ly riêng biệt bằng hàng rào thép B40, có bảo vệ chuyên nghiệp chốt giữ 24/24.
Thế nhưng tại cuộc làm việc với đại diện 7 ngân hàng hồi tháng 8.2013, ông Nguyễn Đăng Sơn, Giám đốc Công ty Trường Ngân, đã thừa nhận do làm ăn thua lỗ, công ty đã mang một số cà phê, là tài sản đã thế chấp, đi bán. Thực chất số cà phê còn lại trong kho chỉ khoảng 2.800 tấn, trong khi với số nợ 600 tỉ của 7 ngân hàng tài sản thế chấp tương ứng là 20.000 tấn. Điều đáng nói hơn, khi xem xét thực tế thì trong kho có rất nhiều bao... rác, nên số lượng cà phê thật cũng không đến 2.800 tấn.
Một số ngân hàng cho biết cách đây nhiều tháng, họ đã gửi đơn tố cáo Công ty Trường Ngân lên Bộ Công an về hành vi lừa đảo, dùng một lô hàng thế chấp cho nhiều ngân hàng. Thế nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa vào cuộc.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu ?
Cần nhắc lại rằng tranh chấp tại kho hàng này đã xảy ra từ cách đây vài tháng. Những ồn ào xung quanh vụ việc các cơ quan chức năng cũng đã biết, nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án nào để giảm căng thẳng.
Luật sư (LS) Phạm Công Út (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, đối với kho hàng hiện đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì trách nhiệm thực hiện thuộc về cơ quan thi hành án. Đối với một số ngân hàng đã nộp đơn khởi kiện ở TAND Q.4 thì cần có đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ra quyết định kê biên hàng hóa. “Theo quy định của pháp luật hiện nay, quyết định kê biên khẩn cấp tạm thời cũng tương tự như cứu thương, cứu hỏa. Nếu thẩm phán chậm trễ mà gây hậu quả thì phải bồi thường theo luật”, LS Út phân tích.
Trong khi đó, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trách nhiệm của chính quyền, công an địa phương trong vụ việc này là rất lớn. Việc cơ quan thi hành án kê biên kho hàng phát hiện có tạp chất trong các bao tải cà phê cho thấy có khuất tất, có thể có dấu hiệu phạm tội hình sự cần sớm khởi tố vụ án để điều tra. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ ra các quyết định kê biên, quản lý tài sản kê biên theo tố tụng hình sự. Ngoài ra, hiện các ngân hàng cũng đã có đơn tố cáo gửi đến công an thì công an phải có phương án đảm bảo tài sản thi hành án đúng pháp luật và ngăn ngừa tội phạm.
“Không loại trừ khả năng tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ vi phạm pháp luật nếu xảy ra hỏa hoạn, đốt kho chẳng hạn. Tiên liệu những hậu quả và lên phương án giải quyết để ổn định an ninh trật tự ở địa phương là trách nhiệm của chính quyền và công an. Nếu chậm trễ để xảy ra hậu quả thì những người có trách nhiệm cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Cụ thể có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, LS Tuấn nói.
Thanh Xuân - Đỗ Trường - Lê Nga
>> Vụ một kho cà phê thế chấp tại 7 ngân hàng: Xin ý kiến NHNN và UBND TP.HCM
>> Vụ một kho cà phê thế chấp tại 7 ngân hàng: Các ngân hàng khiếu nại lên Thống đốc
>> Một kho cà phê thế chấp 7 ngân hàng ?
>> Vụ một kho cà phê thế chấp 7 ngân hàng: Lên kịch bản chống 'xiết hàng
Bình luận (0)