7 tỉ dân chuyện chi mà ầm ĩ!

12/11/2011 08:59 GMT+7

(TNTS) Thật ra thì cũng có một vài chuyện phải lo lắng: lo thế giới này sẽ quá ít dân, nói cho chính xác là quá ít người trẻ để "gánh" đội quân già khụ ngày một phình to, lo người "sắp già" sẽ giành hết việc làm của người trẻ, lo hành tinh này một ngày nào đó sẽ trống trơn.

(TNTS) Thật ra thì cũng có một vài chuyện phải lo lắng: lo thế giới này sẽ quá ít dân, nói cho chính xác là quá ít người trẻ để "gánh" đội quân già khụ ngày một phình to, lo người "sắp già" sẽ giành hết việc làm của người trẻ, lo hành tinh này một ngày nào đó sẽ trống trơn.             

Trái đất có công suất bao nhiêu?

"Bùng nổ dân số, bùng nổ tiêu dùng đang hủy hoại môi trường. Hàng loạt sinh vật tuyệt chủng, không khí ô nhiễm khắp nơi, tài nguyên bị vắt kiệt không thương tiếc, khí hậu thay đổi trên toàn cầu… Phải ngăn chuyện này lại bằng mọi giá!". Cả thế giới đã la hoảng hết cả lên khi đứa trẻ thứ 7 tỉ chào đời. Và thực tế là dân số thế giới vẫn đang gia tăng đến chóng mặt (chỉ 12 năm qua đã tăng thêm 1 tỉ người so với quãng thời gian hơn 18 thế kỷ mới "tích góp" được 1 tỉ dân đầu tiên). Hiện đã có 1 tỉ người suy dinh dưỡng vì không đủ ăn, 1 tỉ người không được tiếp cận với nước sạch. Nếu dựa vào các mỏ dầu đã phát hiện được, thế giới dự kiến chỉ đủ dầu để xài trong chưa đầy 50 năm nữa. Than đá cũng chỉ đủ cho nhu cầu sản xuất trong vòng 188 năm tới. Còn sau đó? Một câu hỏi chưa có lời giải. Chỉ biết rằng, dân số càng tăng, sự thiếu thốn càng trầm trọng.

 
Ảnh: AFP

Vậy trái đất này thực sự chịu đựng được tối đa bao nhiêu người? Thêm một câu hỏi không có lời giải khác, chỉ biết rằng với tốc độ như hiện nay, chỉ tới giữa thế kỷ này thôi, quả đất chật hẹp sẽ nhung nhúc 9 tỉ sinh vật tự nhận là cấp cao nhất. Chỗ đâu mà chứa? Yên tâm, nếu chỉ cần tìm chỗ đứng cho họ thì chẳng có gì phải suy nghĩ. Các chuyên gia tại Cơ quan địa lý quốc gia của Mỹ đã tính toán rằng nếu tất cả mọi người đứng vai chen vai thì chỉ việc đem "nhét" họ vào mỗi một thành phố Los Angeles của Mỹ, vốn có diện tích 1.300 km2, là đã đủ chỗ! May thay, trái đất này rộng hơn nhiều, đến 149 triệu km2, tha hồ mà đứng!

Đỉnh 10 tỉ dân

Quay lại với các con số, rất nhiều chuyên gia đang đồng ý rằng sẽ không có chuyện dân cư trái đất cứ tiếp tục tăng mà nó sẽ lên tới đỉnh ở con số chừng 9 tỉ trong vòng chừng 50 năm nữa hoặc cùng lắm là 10 tỉ vào năm 2100, sau đó sẽ giảm xuống, có thể với tốc độ rất nhanh. Nếu nhìn ở các nước phương Tây và một số nước châu Á giàu có như Hàn Quốc, Ấn Độ, "trào lưu lười đẻ" kéo dài dự kiến sẽ khiến cho hơn 1/3 dân số sẽ trên 65 tuổi ngay vào năm 2030 này thôi.

Tốc độ sinh con ở các nước đang phát triển vẫn đang đủ để thay thế những người chết đi. Tuy nhiên, rất nhiều nước đang đi vào vết bánh xe đổ của phương Tây nhưng lại không có sự chuẩn bị về mặt tài chính để chống chịu được chi phí y tế, chăm sóc người già. Hầu hết các nước giàu có dựa vào tiền thuế từ lực lượng hùng hậu người trẻ đi làm để phụng dưỡng người cao tuổi. Ở các nước nghèo, con cháu đông đúc là lý do người ta được chăm sóc khi về già. Vậy xã hội sẽ dựa vào nguồn tài chính nào khi hầu hết là người già? Đó mới là vấn đề hóc búa nhất mà những nhà hoạch định chính sách nhìn xa trông rộng phải nghĩ tới, chứ không phải là chuyện lo hạn chế sinh đẻ.

Thần kỳ triệt sản!

Các cột mốc dân số thế giới:

- 1 tỉ dân - 1804
- 2 tỉ dân - 1927
- 3 tỉ dân - 1959
- 4 tỉ dân - 1974
- 5 tỉ dân - 1987
- 6 tỉ dân - 1999
- 7 tỉ dân - 2011

Nguồn: Liên Hiệp Quốc

Từ lâu, các nước giàu đã ngay ngáy lo sợ rằng tình trạng sinh con bữa bãi ở thế giới thứ 3 là nguồn gốc của thảm họa môi trường, kinh tế kém phát triển, bất ổn chính trị, cùng lúc đe dọa đến chủ nghĩa tư bản của phương Tây cũng như giảm thiểu sự tiếp cận của họ với các nguồn tài nguyên. Năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson quyết định chi viện trợ dựa trên thành tích kế hoạch hóa gia đình của các nước nghèo. Những "đại gia" khác như Nhật, Thụy Điển, Anh… cũng bắt đầu rót tiền hào phóng để giảm thiểu sinh suất ở các quốc gia kém phát triển.

Năm 1968 Quả bom dân số của nhà sinh học người Mỹ Paul Ehrlich lập tức lọt vào danh sách best selling ngay khi vừa xuất bản, cảnh báo những điều kinh khủng nhất do sự bùng nổ dân số gây ra, trong đó cho rằng đã quá muộn để cứu thế giới khỏi một thảm họa về sinh thái và hàng trăm triệu người sẽ thiệt mạng ngay trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Theo lời tác giả, các chính phủ phải tập trung giảm thiểu dân số một cách triệt để. Vào thời điểm đó, người ta nói đến các biện pháp cưỡng chế kế hoạch hóa dân số, đến những cuộc chiến tranh có nguồn gốc từ bùng nổ dân số, đến các vũ khí ngừa thai…

Vào năm 1975, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi ban hành tình trạng khẩn cấp để bảo vệ chính phủ đang có nguy cơ sụp đổ. Con trai ông, Sanjay đã dùng nó để cùng lúc kiểm soát dân số một cách triệt để nhất: triệt sản! Quota triệt sản được chỉ đạo từ cấp trung ương và tất nhiên, nhiệm vụ của các quan chức địa phương là đảm bảo những con số. Thế là quý ông Ấn thời đó đi ra đường luôn được các nhân viên kế hoạch hóa dân số săn đón nồng nhiệt và hễ ông nào gật đầu thì lập tức được đưa đi thắt ống dẫn tinh ngay! Giám đốc Ngân hàng Thế giới lúc đó, Robert McNamara đã hết lời chúc mừng Ấn Độ vì đã "chuyển động hiệu quả" để đối phó với tình trạng sinh suất cao. Các nhà tài trợ tới tấp đổ tiền và các cuộc thắt ống dẫn tinh hàng loạt ngày càng sôi động. Chỉ trong mỗi một năm 1975, khoảng 8 triệu đàn ông Ấn đã triệt sản! Phần lớn là người nghèo.

 
Ảnh: Reuters

Chính sách một con của Trung Quốc còn được triển khai triệt để hơn, nhất là trong thời gian mới áp dụng. Chỉ trong một năm 1983, hơn 16 triệu phụ nữ và 4 triệu đàn ông đã triệt sản, 14 triệu người khác phá thai, theo con số từ BBC. Nếu nhìn vào con số, có lẽ đây là sáng kiến hạn chế sinh đẻ thành công nhất mọi thời đại. Nhưng đi kèm với nó là bao hệ lụy, chẳng hạn như tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng hay viễn cảnh một con nuôi 4 người (bố, mẹ, ông, bà).

Cứ cái đà này, các chính phủ sẽ phải kế hoạch hóa theo kiểu tìm cách tăng dân số, rồi lại giảm, lại tăng..., không bao giờ phải thôi kế hoạch. Vậy mấu chốt nằm ở đâu? Tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về dân số và phát triển ở Cairo hồi năm 2004, nhiều tiếng nói đã được cất lên: hãy trao vũ khí kế hoạch hóa dân số vào tay phụ nữ chứ không phải các nhà nhân khẩu học, cùng lúc phải trao cho họ cơ hội được tiếp cận với giáo dục, việc làm, ngừa thai và phá thai an toàn để họ quyết định sinh bao nhiêu con tùy theo nhu cầu của bản thân, từ đó mọi kế hoạch hóa dân số sẽ bền vững hơn.

Quay lại với thực trạng hiện nay, thế giới này chắc chắn sẽ không chịu đựng nổi nếu cả 7 tỉ người đều tiêu dùng theo kiểu Mỹ. Nếu muốn tiết kiệm tài nguyên, cần phải giảm thiểu người giàu!

Công nghệ thay đổi số phận thế giới

Trong ngày Liên Hiệp Quốc công bố thế giới tròn 7 tỉ dân, tờ Mirror của Anh chạy một dòng tít buồn: "Đứa trẻ thứ 6 tỉ bị rơi vào quên lãng". Ừ nhỉ, chỉ mới 12 năm thôi, nhưng nếu Mirror không nhắc thì người ta cũng chẳng nhớ đó là ai. Còn cách đây 12 năm? Cả thế giới cũng từng nháo nhào hết cả lên, chẳng thua kém gì thời điểm 7 tỉ như hiện giờ, cũng đầy những hoảng hốt, những dự đoán, những lo ngại. Nhưng nhân loại vẫn tồn tại, thậm chí sống tốt hơn nhờ một thứ: cây đũa thần công nghệ. Vậy công nghệ sẽ thay đổi ra sao để giúp quả đất này "chịu" được viễn cảnh 10 tỉ dân? Không ai biết, bởi công nghệ luôn là thứ sáng tạo và thay đổi nhanh đến chóng mặt trên cả 5 cột trụ: công nghệ nano, sinh học, rô bốt, sinh học và công nghệ thông tin. Lấy một ví dụ, chuyện nuôi cấy thịt từ tế bào gốc trong các nhà máy để làm thức ăn cho con người đang nằm trong tầm tay, giải quyết gọn nhẹ hàng loạt câu hỏi hóc búa mà nhân loại đặt ra suốt mấy thế kỷ qua.  

Đoan Nhật

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.