Phát biểu tổng kết, bế mạc Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Hội nghị T.Ư 7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết từ đầu nhiệm kỳ tới nay, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện T.Ư quản lý. Trong số này, có 7 ủy viên T.Ư khóa XIII, bao gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị, được T.Ư Đảng quyết định cho thôi giữ chức vụ cho nghỉ công tác, nghỉ hưu.
Ngay tại hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa diễn ra (15 - 17.5), T.Ư Đảng quyết định cho ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, thôi chức Ủy viên T.Ư khóa XIII.
Ông Nguyễn Phú Cường nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai từ 2016 - 2021. Vào tháng 12.2022, ông Cường là một trong những người bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận có trách nhiệm trong nhiều vi phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ từ 2011 - 2021. Liên quan các vi phạm này, cuối tháng 12.2022, ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã bị T.Ư khai trừ Đảng.
Việc ông Nguyễn Phú Cường thôi chức ủy viên T.Ư Đảng cũng bắt đầu quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội mà ông Cường đang đảm nhiệm. Đây là chức danh do Quốc hội bầu, do đó, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm đối với ông Cường tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới.
Trước ông Nguyễn Phú Cường, ngày 17.1, T.Ư Đảng khóa XIII đã họp bất thường quyết định đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo nguyện vọng cá nhân.
Theo thông cáo của Văn phòng T.Ư, trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và về hưu.
Một ngày sau hội nghị T.Ư, chiều 18.1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, với 465/482 đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, tại hội nghị bất thường chiều 30.12.2022, T.Ư Đảng đã quyết định cho ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII. Đồng thời, cho ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, thôi giữ chức vụ Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII.
Sau đó, chiều 5.1, tại kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội đã bỏ phiếu kín cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Phạm Bình Minh; phê chuẩn miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng đối với các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.
Các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cũng được T.Ư Đảng cho thôi chức, nghỉ công tác sau khi T.Ư Đảng xem xét nguyện "vọng cá nhân". Các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam được cho là chịu trách nhiệm người đứng đầu khi lĩnh vực phụ trách xảy ra các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Cụ thể là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã xảy ra vụ án kit xét nghiệm Việt Á tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN cùng nhiều địa phương và vụ "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan, đơn vị.
Hai trợ lý của các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là các ông Nguyễn Quang Linh, Nguyễn Văn Trịnh cũng bị khởi tố, bắt tạm giam vì các tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, tại Hội nghị T.Ư 6 đầu tháng 10.2022 , các ông Nguyễn Thành Phong (nguyên Chủ tịch TP.HCM), Huỳnh Tấn Việt (nguyên Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng được T.Ư Đảng thôi chức vụ Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII.
Tuy nhiên, khác với các trường hợp còn lại, cả 3 ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang trước đó đều bị kỷ luật cảnh cáo do các vi phạm khác nhau.
Theo Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ được ban hành tháng 11.2021, các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang sẽ phải từ chức, nếu không cũng sẽ bị miễn nhiệm.
Việc cho thôi chức, nghỉ công tác, nghỉ hưu (không phải cách chức là một hình thức kỷ luật) đối với các ủy viên T.Ư Đảng cũng lần đầu tiên được áp dụng tại nhiệm kỳ khóa XIII. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài các cán bộ diện T.Ư quản lý được cho thôi, nghỉ hưu, nghỉ công tác, các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống".
Điều này thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
Bình luận (0)