70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên: Lá phiếu cho dân tộc

06/01/2016 10:00 GMT+7

Đó là lá phiếu trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của cả nước cách đây tròn 70 năm - ngày 6.1.1946.

Đó là lá phiếu trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của cả nước cách đây tròn 70 năm - ngày 6.1.1946.

Chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I tại ngõ Phất Lộc (Hà Nội) năm 1946 - Ảnh: T.LChuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I tại ngõ Phất Lộc (Hà Nội) năm 1946 - Ảnh: T.L
Vận mệnh kia mà há chuyện chơi
Trên số 13 Báo Quốc hội (tờ báo đặc biệt chỉ ra vào dịp cổ động tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên) ra ngày thứ năm 3.1.1946 có đăng bài thơ Nhắn chị em cử tri của tác giả Bích Hà với 4 câu kết: Lá phiếu đưa ra phải chọn người/Hãy nên thận trọng chị em ơi/Cử người đại biểu cho dân đấy/Vận mệnh kia mà há chuyện chơi.
Trước đó, dự kiến ngày tổng tuyển cử được tổ chức vào 23.12.1945, sau đó chuyển sang ngày 6.1.1946, các nhân sĩ có thể ghi tên ra ứng cử bổ sung. Tỉnh Hà Đông được ấn định 14 đại biểu Quốc hội thì có 95 người ứng cử. Trong đó có những gương mặt nhân sĩ quen thuộc như nhà văn Trúc Khê (tên thật: Ngô Văn Triện), nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Trần Huyền Trân, bác sĩ Chu Văn Tích (Sở Tuyên truyền Bắc bộ), bác sĩ Hoàng Tích Trí (Bộ trưởng Bộ Y tế), nhà giáo Hoàng Minh Giám (Đổng lý Văn phòng Bộ Ngoại giao), nhà báo Lê Văn Hòe, nhà tư sản Trịnh Văn Bô (Ủy viên UBND Bắc bộ), kỹ sư Cù Huy Cận (Bộ trưởng Bộ Canh nông), nhà báo Đỗ Đức Dục, họa sĩ Lê Văn Đệ, Giáo sư Hoàng Gia Lịnh, nhà báo Xuân Thủy (tên thật: Nguyễn Trọng Nhâm); có những đại biểu chỉ làm ruộng như ông Tô Nguyên Cần (H.Thường Tín), ông Nguyễn Khổng Nguyên (H.Phú Xuyên), ông Nguyễn Duy Diên (H.Thanh Oai), ông Nguyễn Vinh Tường (H.Thanh Trì), có người làm nghề buôn bán như ông Dương Hạc Đính (H.Phú Xuyên), ông Phạm Viết Mùi (H.Mỹ Đức)...
Sau 2 ngày danh sách niêm yết, một nhóm phụ nữ tỉnh Hà Đông có thơ gửi về Báo Quốc hội: “Em hỏi: Thưa anh có biết không? Thương thay phụ nữ ở Hà Đông/Chín mươi nhăm vị ra ứng cử/Chẳng có bà nào, chỉ thấy ông!”.
Thật ra, đây là bài thơ mang hơi hướm... nhõng nhẽo đáng yêu của phụ nữ tỉnh Hà Đông. Bởi vì trong danh sách có bà Phạm Thị Minh - Phó chủ tịch UBND H.Đan Phượng và bà Trương Thị Mỹ - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức ra ứng cử. Kết quả, bà Trương Thị Mỹ trúng cử khi 31 tuổi và là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của cả nước.
Trong hồi ký của mình, bà Trương Thị Mỹ (1915 - 2010) nhớ lại: “Lòng tôi dạt dào sung sướng, sung sướng chẳng phải vì tôi đã trở thành “ông nọ, bà kia” mà chủ yếu vì tôi đã được sự tin cậy của đồng bào. Tôi thấy mình vinh dự và cũng thấy mình có thêm trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước...”.
“Một huyền thoại về tinh thần yêu nước”
Từ đầu tháng 12.1945, cán bộ chính quyền các cấp bắt đầu chia nhau về các thôn xóm, phố phường tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu rõ ý nghĩa to lớn của cuộc tổng tuyển cử sắp tiến hành trong cả nước, quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân khi cầm lá phiếu; thể thức bầu cử và trách nhiệm của những người được dân bầu ra để thay mặt dân...
Lần đầu tiên đông đảo nhân dân được phổ biến một cách cụ thể về thể chế của Nhà nước Cách mạng. Nguyên Phó thủ tướng Hoàng Anh kể lại một mẩu chuyện như sau: Trong đợt vận động bầu cử cuối năm 1945 đầu năm 1946, nam nữ Thanh niên Cứu quốc Thừa Thiên-Huế là lực lượng đông đảo và hăng hái nhất, trong đó có nhiều người ở lứa tuổi 16, 17. Mải mê tuyên truyền, nhiều người quên rằng mình chưa đến tuổi được đi bầu! Ngày chính quyền xã công bố danh sách cử tri và phát thẻ cử tri, không thấy tên của mình trong danh sách và không được phát thẻ cử tri, nhiều em tủi thân, khóc sướt mướt giữa đình làng.
Tại Khánh Hòa, một tỉnh trung tâm của miền Nam Trung bộ, nhân dân vừa chiến đấu giữ mặt trận Nha Trang vừa tham gia bầu cử. Những lá phiếu cử tri thấm cả máu để làm tròn nghĩa vụ vinh quang và thiêng liêng của những công dân của nhà nước độc lập Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tôn Thất Vỹ (1914 - 2002), đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Khánh Hòa, viết: “Tôi nghĩ rằng, cuộc bầu cử ngày 6.1.1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bắt đầu, không phải là bỏ phiếu cho riêng tôi hay cho bất cứ một cá nhân nào, mà đó là lá phiếu cho kháng chiến, cho dân tộc”.
Còn tại Sài Gòn và Nam bộ, dù tiếng súng “Nam bộ kháng chiến” đã nổ ra từ 23.9.1945, dù miền Nam đã bị người Pháp chiếm đóng nhiều nơi, đồng thời tìm mọi cách phá hoại tổng tuyển cử... nhưng cuộc bầu cử vẫn tiến hành thành công.
Ông Huỳnh Văn Tiểng (1920 - 2009), đại biểu Quốc hội khóa I của Sài Gòn - Gia Định, cho biết tại Sài Gòn, cuộc tổng tuyển cử tưởng chừng không làm được dưới sự đàn áp của thực dân. “Nhưng ngày 6.1.1946, cuộc tổng tuyển cử thực tế đã diễn ra sôi nổi trên mảnh đất đẫm máu này và một lần nữa nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam bộ và Nam Trung bộ đã lập nên một huyền thoại về tinh thần yêu nước”. Danh sách đại biểu Quốc hội do cử tri Sài Gòn bầu ra thực sự là những gương mặt được nhân dân gửi gắm: Tôn Đức Thắng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Đôn Văn - Chủ tịch Tổng công đoàn Sài Gòn, kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.