Tự động phát
Một số nhà bình luận mô tả triều đại Elizabeth II là "thời kỳ vàng son", gợi nhớ đến giai đoạn trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I khi nước Anh đang mở rộng quyền lực và ảnh hưởng văn hóa.
Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng tác động của vị nữ hoàng 96 tuổi đối với nước Anh ít sâu đậm hơn so với vị tổ tiên lừng lẫy cùng tên, và quyền lực quân chủ đã bị thu hẹp hơn nhiều so với trước.
Một số nhà phê bình cho rằng Nữ hoàng không để lại dấu ấn hữu hình nào, và hoàng gia đang ngày càng trở nên không phù hợp trong một thế giới của khát vọng bình đẳng, luôn phải đối mặt với những bình luận thiếu tôn trọng trên mạng xã hội và sự soi mói suốt ngày đêm của truyền thông.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời vào hôm 8.9 |
reuters |
Tuy nhiên, di sản của bà vẫn là rất lớn: đó là giúp nền quân chủ Anh tồn tại trong một thời đại thay đổi nhanh chóng.
Bà Elizabeth lên ngôi vào ngày 6.2.1952, khi mới 26 tuổi, sau khi vua cha George VI băng hà. Đây là thời điểm nước Anh đang trỗi dậy sau sự tàn phá của Thế chiến II, chế độ phân phối nhu yếu phẩm vẫn còn và ông Winston Churchill là thủ tướng.
70 năm qua đã có bao vật đổi sao dời. Nhiếu tổng thống, giáo hoàng và thủ tướng xuất hiện rồi ra đi, Liên Xô sụp đổ và đế chế của Anh đã biến mất, được thay thế bằng một Khối thịnh vượng chung gồm 56 quốc gia.
Giáo sư Vernon Bogdanor, một chuyên gia về lịch sử hiến pháp Anh, bình luận: “Trong trường hợp Anh, những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội đã được thực hiện một cách hòa bình và đồng thuận. Điều này rất ấn tượng".
Thời kỳ của Nữ hoàng Elizabeth II?
Nữ hoàng Elizabeth I đã trải qua 44 năm trên ngai vàng trong thế kỷ 16, giai đoạn được coi là thời kỳ hoàng kim của nước Anh khi nền kinh tế phát triển và ảnh hưởng của đất nước được mở rộng.
Nữ hoàng Elizabeth II, trong một buổi phát thanh Giáng sinh 1953, nói: "Có những người bày tỏ hy vọng rằng triều đại của tôi sẽ đánh dấu một thời kỳ Elizabeth mới. Thành thật mà nói, tôi không cảm thấy mình giống gì với vị tổ tiên Tudor vĩ đại".
Bà chưa từng trả lời phỏng vấn hay bày tỏ công khai quan điểm về các vấn đề chính trị. Vì vậy, khó ai biết được bà tự đánh giá chính triều đại của mình ra sao. Một cận thần từng nói rằng Nữ hoàng xem di sản của mình là vấn đề để người khác đánh giá.
Nhà sử học hiến pháp David Starkey cho rằng Nữ hoàng không coi vai trò của mình là hiện thân của một giai đoạn lịch sử, mà chỉ đơn thuần là làm một công việc. Theo ông, bà không làm nổi bật vai trò của mình và xem ngai vàng là bổn phận phải duy trì sự tồn tại của hoàng gia.
Tuy nhiên nhiều nhà sử học và tiểu sử khác nói rằng quan điểm của ông David Starkey là chưa công bằng với nỗ lực của Nữ hoàng nhằm thực hiện vai trò của mình trong thời gian qua.
Ông Andrew Morton, tác giả sách về tiểu sử Vương phi Diana năm 1992, cho biết: “Trong một thế giới ngày càng hỗn loạn, bà đã mang lại cảm giác ổn định".
Một số nhà quan sát nhận định rằng quyết tâm của Nữ hoàng nhằm thực hiện bổn phận thật tốt và tự hạn chế đưa ra các quan điểm có thể gây xúc phạm đã giúp nữ hoàng có được vị thế đạo đức rất lớn.
Trong một bộ phim tài liệu năm 2012, Hoàng tử William nói: "Những gì Nữ hoàng nỗ lực làm là đưa chế độ quân chủ vào thế kỷ 21 một cách tốt nhất có thể".
Quyền lực mềm
Về mặt hiến pháp, vị quân chủ Anh có ít quyền lực thực tế và được cho là không theo đảng phái.
Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng Nữ hoàng Elizabeth đã sử dụng quyền lực "mềm" và biến chế độ quân chủ trở thành tâm điểm thống nhất cho quốc gia giữa những chia rẽ xã hội lớn. Chẳng hạn như bà đã lên sóng để trấn an công chúng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Trong khi ở trên chính trường, bà vẫn gặp thủ tướng để tiếp kiến riêng hàng tuần. Các cựu lãnh đạo cho biết khi trao đổi với bà, họ có thể thẳng thắn mà không sợ các cuộc trò chuyện bị công khai.
Một số nhà sử học cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II sẽ là đại diện cuối cùng của thế hệ đế vương nhận được kính trọng tuyệt đối. Và bà vẫn sẽ là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của đất nước Anh.
Bình luận (0)