70 trạm y tế tại TP.HCM không có bệnh nhân đến khám

28/03/2017 09:24 GMT+7

Chiều 27.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện (BV) về phát triển mô hình bác sĩ (BS) gia đình (BSGĐ).

Tại cuộc làm việc, đại diện Q.1, Q.2 đều than dù có triển khai phòng khám BSGĐ nhưng danh mục thuốc của trạm quá ít; xét nghiệm, siêu âm… không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán; hồ sơ quản lý bệnh nhân theo mô hình BSGĐ thì làm bằng tay, có nơi làm bệnh án điện tử nhưng không liên thông với tuyến trên... Vì thế, người bệnh mãn tính đến trạm y tế khám 1 - 2 lần rồi bỏ lên tuyến trên. Đại diện Q.Tân Bình thì cho rằng phòng khám BSGĐ hoạt động không hiệu quả nên 5 BS trạm y tế bỏ đi; bệnh nhân đến trạm 1 - 2 lần không có BS thì bỏ trạm luôn.
Trong khi đó, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho rằng: “Nếu nói quỹ BHYT không thanh toán là không đúng, vì các trạm khi đặt máy xét nghiệm, mua máy siêu âm… thì phải có chủ trương, được Sở Y tế phê quyệt thì BHXH sẽ chấp thuận, nếu không thì chưa được. Về danh mục thuốc, tùy vào dự trù của các trạm và mô hình bệnh tật, các trạm vẫn được sử dụng tối đa như ở BV quận huyện, chẳng hạn như BV Q.Thủ Đức”.
BS Huyền cho biết BHXH đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh với hơn 150 trạm y tế. Các trạm ở 5 quận, huyện ngoại thành triển khai khám BHYT rất tốt, gần như 100%. Năm 2016, qua số liệu kiểm tra của BHXH thì có đến 70 trạm (chủ yếu nội thành) có đăng ký khám BHYT nhưng không có bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đặt vấn đề: “Hiện cả nước có 80% trạm y tế khám BHYT nhưng tại sao TP.HCM mới chỉ 50%. Trong số đó đến hơn 46% (70 trạm) không có bệnh nhân, nguyên nhân do đâu? Có thông tin cho rằng BHYT không đủ cán bộ giám định nên việc ký với trạm y tế cứ để từ từ; hay thói quen của người dân là lên tuyến trên?".
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, để giải quyết vấn đề trên, Bộ đã ban hành quyết định quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; chuẩn bị ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản dùng cho trạm y tế xã phường, quận huyện, BSGĐ để mở rộng quyền lợi bệnh nhân. Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 16/2014 hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ. Thông tư này tích hợp y học gia đình vào trạm y tế phường xã (không yêu cầu lập phòng khám BSGĐ tại trạm), trạm vừa dự phòng, vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP, hiện có 21 BV quận, huyện và 191 phường xã có phòng khám BSGĐ. Ngoài ra còn có 8 phòng khám BSGĐ tại các phòng khám đa khoa tư nhân, 17 phòng khám tư nhân độc lập và 1 phòng khám trực thuộc Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Giai đoạn 2013 - 2016 các phòng khám BSGĐ trên toàn TP đã quản lý sức khỏe cho hơn 81.000 người bệnh, trong đó hơn 97% ở các BV quận huyện.

tin liên quan

Nhân rộng bác sĩ gia đình
Sáng 4.3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.