700 vị trí việc làm chỉ 1 lao động tìm việc

15/02/2019 09:40 GMT+7

Sáng 14.2 (tức mùng 10 tết), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khai xuân sàn giao dịch việc làm đầu năm. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hơn 700 vị trí, tuy nhiên, chỉ có 1 lao động đến tìm việc .

Bàn tuyển dụng trống trơn

Có mặt tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội (số 285 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) lúc 9 giờ sáng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu của sàn giao dịch việc làm. Hầu hết các bàn tuyển dụng đều trống trơn, chỉ có vài cán bộ của trung tâm đi ra, đi vào nhìn đồng hồ tỏ vẻ sốt ruột.
Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Giới thiệu việc làm, trong phiên giao dịch này, có 57 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 707 vị trí việc làm. Trong đó, Sàn Giao dịch việc làm tại Trung Kính có 21 đơn vị, còn lại 14 sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch vệ tinh mỗi nơi có từ 1 - 3 đơn vị.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, có nhiều doanh nghiệp tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn và chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng, như: giám sát, kinh doanh bán hàng, chăm sóc khách hàng, nhà hàng, khách sạn, thu ngân, cơ khí, điện lạnh, vận tải,… tuy nhiên, đến hơn 10 giờ, số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đã lên đến hơn 10 đơn vị, nhiều doanh nghiệp có bảng tên, nhưng không có người đến tuyển dụng. Trong lúc chờ người lao động, đại diện các doanh nghiệp tuyển dụng chỉ còn biết lướt điện thoại, hoặc quay sang tán chuyện.
Theo chị Dư Hoa, phụ trách tuyển dụng Tập đoàn khách sạn A25, với các doanh nghiệp, sự biến động nhân sự đầu năm là hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc vắng bóng của người lao động tại sàn giao dịch việc làm đầu năm này khiến các nhà tuyển dụng bất ngờ. “Năm 2019, tập đoàn chúng tôi mở rộng thêm nhiều chi nhánh trên khắp cả nước, chỉ tiêu tuyển dụng từ 100 - 200 nhân sự ở các bộ phận như quản lý khách sạn, buồng phòng, bảo vệ, nhân viên lễ tân, bếp và các khối chuyên môn vận hành, nhân sự, sale, maketing… Đó là lý do năm nay chúng tôi có kế hoạch tuyển dụng sớm. Trong phiên đầu tiên, ít người đi tìm việc là đương nhiên, nhưng vắng đến mức không có ai thì quả là tôi chưa từng thấy”.
Thất vọng không kém, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Vietcare, chuyên dịch vụ chăm sóc sau sinh, cho biết từ mùng 2 tết đã có khách hàng gọi điện đến công ty đăng ký dịch vụ. Tuy nhiên, do đang trong thời điểm nghỉ tết, lực lượng lao động chưa thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Hôm nay đã là mùng 9 tết, tôi hy vọng sẽ có nhiều ứng viên đến tìm việc cũng như ứng tuyển vào công ty, nhưng cả buổi sáng chờ mãi chưa thấy lao động nào đến”.
Theo bà Tâm, thời điểm trước tết số lao động của công ty khoảng gần 100 người. Sau khi ra tết, một số lao động xin nghỉ hoặc chuyển việc với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, trong tháng 2 công ty này có nhu cầu tuyển dụng bổ sung 20 lao động.

Cẩn thận "tiền mất tật mang"

Là người lao động duy nhất có mặt tại phiên giao dịch việc làm đầu năm, anh Nguyễn Tiến Nghĩa (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Tết chơi nhiều cũng oải, phải kiếm công việc gì đó làm cho ổn định quy củ. Tôi muốn tìm công việc lao động phổ thông, có thể là nhân viên bảo vệ. Mức lương kỳ vọng từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng phiên giao dịch ít công việc phổ thông dành cho nam giới, tôi chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp nên cố gắng sẽ tìm việc ở các phiên sau”.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, nhu cầu tìm việc làm của người lao động sau tết vẫn có, tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm, người lao động vẫn muốn nghỉ ngơi, thăm bà con họ hàng, đi lễ đầu năm... do đó, các phiên giao dịch việc làm đầu năm dù trung tâm tổ chức mời doanh nghiệp tham gia khá đông, nhưng người lao động tham gia chưa được như mong muốn.
Cũng theo bà Liễu, đầu năm các doanh nghiệp đều có kế hoạch tuyển dụng cho năm mới, chỉ tiêu tuyển dụng nhiều. Lợi dụng điều này, nhiều trung tâm môi giới đưa ra lời mời việc nhẹ lương cao, người lao động nên tìm hiểu kỹ, bởi đã có những trường hợp người lao động nộp lệ phí tìm việc nhưng không đòi được tiền, mất cả giấy tờ gốc và tiền đặt cọc. Để tránh “tiền mất tật mang”, bà Liễu khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu về đơn vị tuyển dụng về địa chỉ, quy mô công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng địa chỉ giả mạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.