74 văn bản trái luật trong năm 2021

10/10/2021 12:31 GMT+7

Báo cáo của Chính phủ cho hay, từ tháng 10.2020 - 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.393 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, phát hiện 74 văn bản có quy định trái pháp luật .

25/74 văn bản trái luật vẫn chưa được xử lý

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản chi tiết năm 2021, vừa gửi tới Quốc hội cho biết, trong kỳ báo cáo năm 2021 (10.2020 - 7.2021), Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.393 văn bản và phát hiện 74 văn bản có quy định trái pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi tới Quốc hội

nguyên mạnh

3.393 văn bản được kiểm tra bao gồm 359 văn bản của các bộ và 3.034 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký, cho hay, Bộ Tư pháp đã kết luận và kiến nghị xử lý 4 văn bản của các bộ, gồm 3 thông thư và 1 công văn có chứa quy phạm pháp luật; 70 văn bản cho chính quyền các tỉnh ban hành.

Về kết quả giải quyết, Chính phủ cho biết, tính tới 15.9, đã có 49 văn bản đã được được cơ quan ban hành văn bản xử lý, gồm: 3 văn bản của các bộ (2 thông tư, 1 công văn có chứa quy phạm pháp luật) và 46 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành.

25 văn bản còn lại đang được được theo dõi, đôn đốc xử lý theo quy định, gồm 1 thông tư và 24 văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Trong đó, 12 văn bản đang trong quy trình xử lý.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, riêng các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành trong kỳ báo cáo, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các thông tư là văn bản quy định chi tiết, kết quả bước đầu chưa phát hiện nội dung trái pháp luật.

Chính phủ khẳng định, việc xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Phần lớn văn bản trái pháp luật sau khi được Bộ Tư pháp kiểm tra phát hiện, kết luận và kiến nghị đều được cơ quan ban hành có phương án xử lý kịp thời; cơ bản hạn chế được các trường hợp văn bản trái pháp luật còn tồn đọng, chậm được xử lý, qua đó đã ngăn ngừa được tác động tiêu cực đến xã hội do văn bản trái pháp luật gây ra.

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, qua kết quả công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, cho thấy, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nhìn chung đã ngày càng được nâng cao hơn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

“Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về tính hợp pháp, khả thi, phù hợp với thực tiễn của văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế được các trường hợp văn bản có nội dung không phù hợp gây bức xúc dư luận”, báo cáo cho hay.

Thủ tướng nhắc nhở trực tiếp các bộ trưởng

Liên quan tới việc ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, báo cáo của Chính phủ hay, trong kỳ báo cáo chỉ có 8 văn bản chưa được ban hành (gồm 4 nghị định, 1 quyết định, 3 thông tư) theo kế hoạch; so với thời điểm báo cáo tại các năm trước, số lượng văn bản chậm ban hành có xu hướng giảm dần.

Cụ thể: giảm 27 văn bản so với năm 2016 (35 văn bản), giảm 04 văn bản so với năm 2018 (12 văn bản), giảm 9 văn bản so với năm 2019 (17 văn bản) và giảm 20 văn bản so với năm 2020 (28 văn bản).

Số văn bản chậm ban hành hiện nay đa số là các văn bản có nội dung phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh, hàng tháng, quý, Chính phủ đã đăng tải công khai tình trạng ban hành văn bản, danh mục văn bản chậm ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Tại các phiên họp thường kỳ và chuyên đề, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, nhắc nhở trực tiếp các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định đó là một trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ.

Về phía các bộ, nhiều bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tại các cuộc họp giao ban của các bộ đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.