Tuyển tập này là một đánh giá đích thực về phẩm chất thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh mà có thể rất nhiều bài viết về thơ anh vẫn chưa nói hết. Nó khẳng định một chặng đường thơ mà Nguyễn Ngọc Hạnh đã khiêm nhường dâng hiến cho đời.
Bìa tập sách Khúc ru trầm - 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) |
tgcc |
Trong nghệ thuật, thơ thường giao hòa với các loại hình khác như kịch, họa, âm nhạc... một cách rất tự nhiên, nhưng khắng khít nhất vẫn là thơ phổ nhạc để trở thành ca khúc. Người ta có thể đếm được số tác phẩm kịch thơ từ Tiếng Địch sông Ô (Phạm Huy Thông), Vân muội (Vũ Hoàng Chương), Hận Nam Quan, Kiều Loan (Hoàng Cầm), Bóng giai nhân (Yến Lan - Nguyễn Bính)... Cũng có thể thấy những họa phẩm minh họa thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái, minh họa Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm hay triển lãm thơ-gốm của Lê Thiết Cương... Nhưng không thể đếm xuể những bài thơ được phổ nhạc trở thành những ca khúc nổi tiếng. Hầu như nhà thơ nào cũng có một vài bài thơ phổ nhạc. Song thơ thường xuyên được phổ nhạc để tạo ra một kỷ lục thì chỉ thấy trước đây có nhà thơ Tạ Hữu Yên và thần đồng thơ Trần Đăng Khoa (nay là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)... Và đến hôm nay là Nguyễn Ngọc Hạnh sống ở thành phố Đà Nẵng, quê anh tận đầu nguồn sông Vu Gia, Đại Lộc, Quảng Nam.
Sở dĩ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có duyên được nhiều nhạc sĩ chú ý đến vậy, có lẽ là do hồn thơ Hạnh dâng sóng nhạc sinh ra bao giai điệu dập dồn thôi thúc tâm hồn người nhạc sĩ. Điều hết sức thú vị là có những bài thơ của Hạnh được đến hai, ba nhạc sĩ cùng phổ thành ca khúc. Phan Huỳnh Điểu, Đình Thậm và Trịnh Tuấn Khanh, mỗi người một cảm xúc, một cách tiếp nhận khác nhau thông qua giai điệu riêng của mình để đến với Làng của Nguyễn Ngọc Hạnh. Cái làng ấy ra đi với nỗi lòng của những người con xa xứ trong lời thơ ý nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đầy vơi thương nhớ quê nhà. Ký ức làng quê của Trịnh Tuấn Khanh với giai điệu bồng bềnh đằm thắm, chất chứa bao hoài niệm tuổi thơ. Và đến khi nhạc sĩ Đình Thậm trở về thăm làng quê Nguyễn Ngọc Hạnh, quê hương người bạn tri âm của mình bên con sông Vu Gia, Đại Lộc, thì bỗng nhiên giai điệu vỡ òa, bùng cháy, Làng trong thơ Hạnh trở thành Làng trong tôi thân thuộc như chính đất mẹ quê hương Đình Thậm. Hai câu thơ hay của Nguyễn Ngọc Hạnh mà nhiều người thuộc: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” từ cuối bài thơ được nhạc sĩ đưa lên trở thành câu mở đầu cho bài hát đầy ấn tượng. Và từ đó, giai điệu cứ tràn đầy trào dâng bao cảm xúc, chất chứa hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nơi “con sông quê, bóng núi chập chờn”...
Bài Ngõ hẹp cũng vậy. Bài thơ có một cái tứ lạ khiến cả ba nhạc sĩ: Võ Hoài Phúc, Trịnh Thùy Mỹ, Trương Công Ảnh đi tìm sự giằng xé nội tâm qua những giai điệu sâu lắng, chìm đắm trong lối mòn đường quê của nhà thơ: “Tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu”. Và nhạc sĩ Võ Hoài Phúc đã thành công hơn khi cùng hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chậm rãi, tự sự về nơi Ngõ hẹp phía thượng nguồn... Cùng dâng lên từ một hồn thơ, nhưng sóng nhạc cứ dập dìu theo mỗi tần số cảm xúc khác biệt nhau. Đấy là những điều thú vị mà ở các tuyển tập thơ phổ nhạc khác có thể chưa từng thấy; là cái làm nên sự say đắm của Khúc ru trầm, 77 ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.
Riêng nhạc sĩ Trọng Đài phổ đến cả chục bài thơ của Hạnh. Có lẽ nhạc sĩ và nhà thơ bắt được tần số cộng hưởng giữa thi ca và âm nhạc, giữa tri âm, buồn vui bất chợt giữa cuộc đời này. Nhiều bài đã được phát trên sóng truyền hình với nhiều giọng ca tên tuổi, được công chúng rất mến mộ. Còn với chàng “cao bồi Texas” Nguyễn Cường thì hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được chàng dìu dắt vào một khúc nhạc chiều (Serenade) cũng ở điệu thức Đô trưởng nhưng không ngẩn ngơ luyến tiếc như Khúc nhạc chiều của Enrico Toselli mà Phạm Duy từng dịch lời: “Lắng trong tiếng chiều ngân/ Nhạc dập dìu ái ân” mà là sự ngạc nhiên hồn hậu: “Mưa cong vút lên trời hoàng hôn/ Chiều chậm trôi mờ xa vơi đầy/ Thơ bay vút lên lưng chừng mây/ Như là em rơi trong thu gầy”. Bản Serenade -Thu rơi là một ấn tượng “song kiếm hợp bích” giữa nhà thơ và nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Hoài An, tác giả của Nếu chỉ còn một ngày để sống, Tình thơ, Tình khúc vàng... nổi tiếng cũng rung động cùng hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bằng cảm giác người đàng trong ra thăm Hà Nội qua Hà Nội mình tôi. Đọc giai điệu lên, nghe thương lạ: “Chỉ mình tôi côi cút phố đêm/ Ngỡ như lạc vào cõi khác/ Ở đây bốn bề dịu ngọt/ Mà bơ vơ từng bước lặng thầm”... Còn nhạc sĩ Thế Bảo thì lại cảm nhận sự bơ vơ của mình ở Hà Nội khác với Hoài An qua Hà Nội phố đêm. Có lẽ vì anh có tâm trạng của một người đã từng học, từng sống với Hà Nội một thời, cho nên khi trở lại Thế Bảo có những cảm xúc thật tràn trề, dào dạt. Điều đó thấy rõ ngay khi anh dùng chùm luyến bốn nốt móc kép cho một chữ “còi” trong ca từ: “Anh trôi theo tiếng còi tàu”. Tiếp theo là những nhịp ngắt như tiếng thở dài: “Mông lung - mông lung/ xao xác đến mông lung” rồi “Heo may - heo may/ tan chảy đến tận cùng”. Và đến khi không chịu được nữa, anh đã kéo tác giả thơ đi theo sự thăng trầm của chính mình bằng một quãng tám tiến, quãng bảy tiến và quãng tám lùi: “Phờ phạc phố - phờ phạc đêm - lối về nơi phố cổ...” lặng thầm.
Một trong các nhạc sĩ trẻ trong Khúc ru trầm, có lẽ là Huỳnh Văn Tấn. Còn nhớ ngày Nguyễn Ngọc Hạnh ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều ở Hà Nội, Tấn xuất hiện và ôm đàn guitar hát những ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gây bao xúc động cho người xem. Vốn là người đồng hương thân thiết với Nguyễn Ngọc Hạnh, Tấn đã có những cộng hưởng của những người sinh ra từ làng bên con sông quê Đại Lộc không chỉ là nỗi nhớ quê mà còn cả niềm đau ngay chính từ trong bài hát Khúc ru trầm mà nhạc sĩ đã phổ từ bài thơ Nhớ con của Nguyễn Ngọc Hạnh. Hạnh đã chọn tên cho tuyển tập 77 ca khúc phổ thơ này là Khúc ru trầm như một hoài niệm nhớ thương về đứa con gái xinh đẹp vốn có năng khiếu và rất yêu âm nhạc đã ra đi quá sớm.
Các nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thuộc các thế hệ nhạc sĩ khác nhau từ thời tiền chiến đến hậu chiến, rồi đến các thế hệ nhạc sĩ của thế kỷ mới bây giờ. Không chỉ các nhạc sĩ trong Nam như Phan Huỳnh Điểu, Thế Bảo, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp… mà còn có nhiều nhạc sĩ ở ngoài Bắc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như Trọng Đài, Trọng Lưu, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến (tác giả Bà tôi nổi tiếng)…và nhạc sĩ Lê Anh (Huế). Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã dâng sóng nhạc cùng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như: Nguyễn Huy Hùng, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Đình Thậm, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Xuân Minh, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nam An, Hoàng Bích... Và 2 nhạc sĩ hải ngoại hiện đang sống tại Mỹ là Phạm Đăng Khương với ca khúc Bến mê và đặc biệt nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến ở Texas, người đã phổ bài thơ Qua đò nhớ mẹ của Nguyễn Ngọc Hạnh cách đây mấy mươi năm. Ca khúc này từng phát sóng trên VTV1 và được nhiều ca sĩ tên tuổi biểu diễn trong và ngoài nước suốt nhiều năm.
Điều đặc biệt cũng đáng nói trong Khúc ru trầm - 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, đó là một cuộc hội tụ của họa sĩ Lê Thiết Cương với bìa sách rất lạ, tranh thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ từ ý thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Đặc biệt hơn là họa sĩ Đặng Tiến, đang sống tại Hải Phòng đã ký họa gần 40 chân dung của các nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất sinh động, đa chiều. Có thể nói Khúc ru trầm được xem là cuộc giao thoa đầy kỷ niệm giữa thơ ca và nhạc họa trên con đường sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hạnh, mà xưa nay không dễ gì nhà thơ nào cũng may mắn có được.
Bình luận (0)