Những lời chia sẻ này, ông Nguyễn Thành Ngưỡng nói trong buổi họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024) do TP.HCM tổ chức sáng 27.7 tại Hội trường Thành ủy TP.HCM.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng bồi hồi kể lại mình nhập ngũ năm 1966, khi đang học cấp 3 ở Nghi Lộc, Nghệ An: "Lúc ấy, chiến sự ngày càng ác liệt, tôi 16 tuổi xung phong đi bộ đội, giấu hết cả gia đình. Ngày mai đi thì chiều nay tôi mới thông báo là: 'Mẹ ơi, ngày mai con đi bộ đội...'. Lúc ấy, mặc dù biết là phía trước sẽ có nhiều gian khổ, hy sinh nhưng tôi vẫn chọn con đường nhập ngũ, chiến đấu vì dân tộc mình".
Từ năm 1966 - 1971, ông Nguyễn Thành Ngưỡng tham gia chiến đấu tại các chiến trường lớn là Khe Sanh (Quảng Trị), Tây nguyên, Đông Nam bộ và Campuchia thuộc đơn vị Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Ông tham gia 5 chiến dịch lớn, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 22 trận lớn và nhỏ, lập nhiều chiến công.
Với những thành tích đó, ông Nguyễn Thành Ngưỡng đã được 2 lần tuyên dương anh hùng; có 7 Huân chương chiến công hạng 1, 2, 3 và nhiều danh hiệu, huy chương, huy hiệu, bằng cấp khác. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể của địa phương và thường đi giao lưu, nói chuyện về lịch sử tại các trường học ở TP.HCM.
"Mặc dù tôi bị nhiều thương tích trong chiến tranh và bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng tôi không hổ thẹn con đường mình đã chọn. Khi đi giao lưu ở các trường học, tôi muốn truyền đạt thế hệ trẻ truyền thống yêu nước. Hòa bình, độc lập, tự do không phải là thứ đơn giản có được, mà đó là nhờ biết bao công lao của cha ông chúng ta. Do đó, tôi mong các bạn trẻ phải luôn học tập, lao động, phấn đấu để xây dựng Tổ quốc mình giàu vẹn", ông Ngưỡng chia sẻ.
Cũng chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Dương Đình Tấu, thương binh hạng 2/4, bệnh binh hạng 2/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cũng ôn lại những năm tháng khó khăn của công cuộc chiến đấu thống nhất đất nước. Lúc đi bộ đội, ông Tấu còn là một chàng trai 17 tuổi. Ông tham gia du kích tại căn cứ Vườn Cau Đỏ, được tặng 9 huân chương, 6 danh hiệu dũng sĩ.
"Tôi đã gửi lại một phần xương máu của mình trên chiến trường, tôi nhớ tôi đã bị thương 8 lần và có 6 lần nằm trên bàn mổ. Lần cuối cùng tôi bị thương là ở chiến trường Campuchia. Khi trở về với 61% thương tật, 2 tay chống 2 nạng, tôi đã từng trăn trở biết làm gì để sống đây. Lúc ấy, tôi nghĩ tới lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng thương binh tàn nhưng không phế. Và thế là tôi cắp sách tới trường, tôi phải đi học để nuôi mình, nuôi con", ông Dương Đình Tấu kể.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Dương Đình Tấu vừa chăn nuôi heo, gà, vừa tích cực học tập, tốt nghiệp 2 ngành đại học, trong đó có một chuyên ngành thú y. Ông có 2 người con và 1 trong 2 người hiện công tác ở Bệnh viện Quân y 175.
Kể lại hành trình đã đi qua, ông Tấu nói: "Tôi luôn tự nhủ với tinh thần của một người lính, ở chiến trường thì không khuất phục trước quân thù; khi trở về đời thường cũng không được gục ngã trước cuộc sống khó khăn. Do đó, tôi luôn cố gắng và tôi tự hào vì được mở mang đầu óc, tri thức của mình. Tôi cũng khuyên thế hệ trẻ ngày nay phải xác định con đường học tập để mở mang trí thức, đóng góp cho đất nước".
Bà Phạm Thúy Hưởng, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Nhe và con của mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xê, xúc động: "Là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, tôi hiểu nỗi đau mà những người tù, thương binh, bệnh binh phải trải qua mỗi ngày khi bị địch tra tấn. Là một người vợ liệt sĩ, tôi hiểu nỗi đau khi chồng mình đã hy sinh nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và là con của mẹ Việt Nam anh hùng, tôi hiểu sự hy sinh thầm lặng, nét đẹp nhân hậu, tần tảo... của các mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng của dân tộc. Nhiều chuyện mẹ không còn nhớ rõ nhưng khi nhắc đến người chồng, người con đã hy sinh, mẹ lại rất rành rọt. Tôi cũng không thể quên những người thân, đồng đội đã hy sinh để đất nước được độc lập, tự do và hạnh phúc".
Trân trọng giá trị của hòa bình, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, bà Phạm Thúy Hưởng tin rằng đó là nguồn động lực, lời nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm để mỗi con người Việt Nam phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, tự do và phát triển.
Cũng ôn cố tri tân, bà Lý Kim Mai, từng tham gia kháng chiến, làm giao liên Hoa vận thành, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.5 và là vợ của liệt sĩ Lý Khải, cũng chia sẻ với thế hệ trẻ rằng phải luôn cố gắng học làm người, rèn đạo đức, nhân cách để thành tài, xây dựng đất nước Việt Nam và thành phố ngày càng giàu đẹp hơn.
Phát biểu tại buổi họp mặt, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, gửi lời biết ơn sâu sắc với các mẹ Việt Nam anh hùng; các thương binh, bệnh binh; gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các tướng lĩnh, cựu chiến binh; các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân mọi miền đất nước.
Theo ông Phan Văn Mãi, dịp này không chỉ để nhằm ôn lại, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, mà còn là cơ hội để TP.HCM báo cáo, kiểm điểm về việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. Cùng với đó, qua các câu chuyện tại buổi họp mặt, thế hệ sau được trao truyền, tiếp bước để đóng góp xây dựng đất nước tốt hơn.
Hiện nay, TP.HCM đã vận động hơn 188 tỉ đồng để xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách. TP.HCM cũng đang quản lý gần 280.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công; có hơn 35.000 lượt người được hưởng trợ cấp hằng tháng với tổng kinh phí chi trả gần 75 tỉ đồng/tháng.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân theo quy định.
"Phải nỗ lực làm tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa và mỗi cán bộ phải thực hiện bằng cái tâm, tình cảm, lòng tri ân của mình đối với các gia đình được hưởng chính sách. Phải rà soát xem tới giờ này, thành phố có còn trường hợp nào diện được hưởng chính sách nào nhưng chưa được hưởng không; còn trường hợp nào mà người có công hay con em họ gặp khó khăn về nhà ở, phương tiện sinh sống, đi lại, học tập... để tập trung chăm lo", ông Phan Văn Mãi nói.
Đại úy Võ Thị Bích Phương, Phó trưởng Ban Thanh niên Công an TP.HCM, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023, cũng cho hay tuổi trẻ TP.HCM sẽ ra sức, đóng góp một phần trách nhiệm, trí tuệ và sức trẻ của mình để cùng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chung. Đồng thời, kế thừa truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, quyết tâm xung kích, dấn thân trong mọi mặt trận, sẵn sàng đón nhận những việc khó như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một số hình ảnh tại buổi họp mặt:
Các đại biểu là người có công tiêu biểu tham dự buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
NHẬT THỊNH
Trao quà cho người có công tiêu biểu tại buổi họp mặt
NHẬT THỊNH
Bình luận (0)