78% tiền tác quyền âm nhạc thu từ nền tảng số

16/11/2023 07:26 GMT+7

Ngày 14.11, tại TP.HCM, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) phối hợp cùng Công ty Meta thực hiện hội thảo về bản quyền âm nhạc nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả - quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, phát biểu: "Trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc chiếm lĩnh một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống xã hội mà còn phát triển rất mạnh mẽ, nhanh chóng trong môi trường kỹ thuật số, trên không gian mạng toàn cầu. Điều này đã tác động đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc".

78% tiền tác quyền âm nhạc thu từ nền tảng số - Ảnh 1.

Ca - nhạc sĩ JustaTee giao lưu tại hội thảo

Đ.T

VCPMC công bố tổng doanh thu tác quyền năm 2022 lên đến hơn 255 tỉ đồng, trong đó tiền thu trên website, ứng dụng, nền tảng trực tuyến hơn 188 tỉ đồng, chiếm 78% tổng doanh thu. Số thu tác quyền từ nền tảng số vượt trội so với thu từ biểu diễn, sử dụng nhạc nền tại nhà hàng, khách sạn, karaoke, siêu thị, quán cà phê… chỉ 22 tỉ đồng và thu từ các đài phát thanh, truyền hình là 4,4 tỉ đồng.

Tại hội thảo, ông Benjamin NG, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC), xác định con người là nhạc sĩ, chứ nhạc sĩ không phải AI (trí tuệ nhân tạo). AI chỉ cóp nhặt theo thuật toán, tổng hợp thành ca khúc, vì thế ca khúc do AI tạo ra không có tác quyền âm nhạc.

Chuyên gia pháp chế của VCPMC Mai Thanh Huy cho biết trong thời gian qua trung tâm đã khởi kiện hơn 40 vụ, trong đó 20 vụ được giải quyết, phần lớn đều liên quan đến tranh chấp tác quyền. Nhiều trường hợp tác giả chỉ thỏa thuận miệng, tin nhắn hay gọi điện thoại… với ca sĩ, công ty phát hành nên khi nảy sinh mâu thuẫn sẽ khó giải quyết được vấn đề về mặt pháp lý, đặc biệt là chuyện "bán đứt" ca khúc. Có trường hợp chỉ mua tác phẩm trong 5 năm, song khi soạn thảo hợp đồng bên mua lại viết theo hình thức hợp đồng chuyển nhượng, sau đó mang đi đăng ký quyền sở hữu.

Về vấn đề này ông Benjamin NG nhận định các nhạc sĩ cần xem xét và thương lượng cẩn thận hợp đồng "bán đứt" tác phẩm, nếu chưa rõ hợp đồng thì không nên ký. Thực tế để bảo vệ tác giả thì có các quy định chống "bán đứt" tại một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Hội thảo cũng cung cấp cho các đối tác, nhạc sĩ thành viên VCPMC những thông tin về các công cụ hữu ích để có thể quảng bá, giới thiệu và khai thác quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Ca - nhạc sĩ JustaTee (tên thật Nguyễn Thanh Tuấn) được Facebook bình chọn là Người sáng tạo nội dung tiêu biểu của ngày hôm nay (Facebook Songwriter of The Day). JustaTee đã tạo ra trên Facebook và Instagram sức ảnh hưởng tích cực, mang giá trị kết nối có ý nghĩa với người hâm mộ và cộng đồng. "Là một người làm nhạc không được học bài bản nhưng với những phương tiện hỗ trợ như Instagram, Meta - Facebook, Twitter… tôi đã từng bước khẳng định được bản thân mình trên nền tảng kỹ thuật số", JustaTee bày tỏ tại hội thảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.