8 cách giúp giảm đau thần kinh tọa

28/01/2019 13:43 GMT+7

Thuật ngữ đau thần kinh tọa mô tả các triệu chứng đau chân như ngứa ran, tê hoặc yếu cơ bắt nguồn từ lưng dưới, đi qua mông và xuống dây thần kinh tọa ở phía sau chân.

Đau thần kinh tọa xảy ra là do thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống, hoặc bị chấn thương lưng, gây áp lực lên cột sống.
Có một số phương pháp giúp kiểm soát hoặc giảm đau như sau, theo Reader’s digest.

1. Thường xuyên căng duỗi người

Trong nhiều trường hợp, đau thần kinh tọa là do kích thích dây thần kinh cột sống dưới, thường là do một đĩa đệm thoát vị. Rễ thần kinh bị kích thích mang tín hiệu đau và tín hiệu về cảm giác đến não, và nhận tín hiệu từ não truyền đi, theo Reader’s digest.
Các bài tập căng duỗi nhẹ nhàng, được thực hiện thường xuyên, có thể giúp giảm một số cơn đau liên quan đến rễ thần kinh bị kích thích.
Cần đảm bảo có sự giám sát từ chuyên gia vật lý trị liệu để thực hiện các động tác căng duỗi một cách chính xác.

2. Đi bộ nhiều hơn

Tập các động tác aerobic nhẹ nhàng, như đi bộ nhanh, thường là liệu pháp chính để phục hồi cho đau thần kinh tọa.
Tập aerobic nhẹ nhàng cũng giúp giải phóng endorphin, chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, giúp giảm các cơn đau.
Khi bệnh nhân thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, họ có thể hồi phục nhanh hơn sau cơn đau thần kinh tọa và ít có khả năng bị đau trong tương lai.

3. Luôn ý thức giữ đúng tư thế

Chăm sóc tư thế là một cách thông minh để chăm sóc cột sống, vì vậy hãy chú ý đến cách giữ đúng tư thế khi ngồi và đứng.
Ví dụ, ngồi trong thời gian dài có thể làm nặng thêm cơn đau thần kinh tọa, do đó, cần đảm bảo di chuyển đều đặn trong suốt cả ngày.
Nếu có thể, hãy cố gắng đứng dậy sau mỗi 20-30 phút và đi bộ một vài vòng.
Ngoài việc chú ý đến tư thế, cần ngồi không bắt chéo chân, đặt chân phẳng trên sàn, giữ hông và đầu gối một góc 45 độ, theo Reader’s digest.

4. Chườm nóng và lạnh

Một cách đơn giản khác để kiểm soát cơn đau là kết hợp chườm nóng và lạnh lên chỗ đau. Chườm lạnh giúp giảm viêm và giảm đau, kết hợp với chườm nóng để giúp tăng cường lưu lượng máu.
Chườm lạnh trong 20 phút, và sau đó xen kẽ với chườm nóng. Thực hiện 1 - 2 lần mỗi ngày nếu thấy giảm đau.

5. Ngừng hút thuốc

Nghiên cứu gần đây đã gợi ý rằng những người hút thuốc có khả năng bị thoái hóa đĩa đệm và đau lưng mãn tính hơn những người không hút thuốc, vì thói quen này làm giảm khả năng phục hồi đối với cơn đau.

6. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể gây thêm căng thẳng hoặc áp lực lên cột sống, dẫn đến đau thần kinh tọa. Do đó, việc giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể đóng góp rất nhiều vào việc giảm nguy cơ phát triển chứng đau thần kinh tọa, theo Reader’s digest.
Tương tự, giảm trọng lượng có thể giúp quá trình chữa bệnh vì nó sẽ giảm áp lực lên vùng bị ảnh hưởng và giảm viêm.

7. Xoa bóp

Mát xa không chỉ giúp thư giãn các cơ ở lưng mà còn giúp nới lỏng tất cả cơ hay mô bị ảnh hưởng bởi đau thần kinh tọa, do đó làm giảm bớt sự đau đớn hoặc khó chịu.
Một số hình thức trị liệu xoa bóp giúp giải phóng endorphin, là thuốc giảm đau tự nhiên cho cơ thể.

8. Đi khám bác sĩ

Trong một số trường hợp, khi các triệu chứng đau thần kinh tọa càng nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm, nên gặp bác sĩ để kiểm tra.
Phẫu thuật có thể hữu ích ở những bệnh nhân đã điều trị thất bại hoặc đau dữ dội.
Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật đau thần kinh tọa chủ yếu dựa trên mức độ đau và thời gian kéo dài của cơn đau.
Phương pháp phẫu thuật hiện tại có thể được thực hiện trong ngày, thông qua phẫu thuật xâm lấn tối thiểu cơ bắp mà không có tác dụng phụ lâu dài trên cột sống.
Phẫu thuật khẩn cấp thường chỉ cần thiết nếu bệnh nhân bị đau dữ dội ở chân hoặc mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang đột ngột, có thể do hội chứng ‘đuôi ngựa’ gây ra. Hội chứng này ảnh hưởng đến một bó rễ thần kinh nằm ở cuối tủy sống và cần phẫu thuật khẩn cấp. Việc xử lý nhanh là cần thiết để ngăn chặn tổn thương lâu dài dẫn đến mất kiểm soát tiểu tiện và tê liệt chân vĩnh viễn, theo Reader’s digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.