8 câu hỏi tuyển dụng khó nhất của CEO Ấn Độ

03/05/2016 09:07 GMT+7

Từ kế hoạch kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đến hoạt động xây dựng đội ngũ, các công ty khởi nghiệp (startup) Ấn Độ có cách làm khác hẳn doanh nghiệp truyền thống.

Khi xây dựng đội ngũ nhân sự, hầu hết các doanh nghiệp tìm kiếm nhiều hơn các phẩm chất thông thường như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hay thành tích của ứng viên.

Trang Quartz cho hay cũng giống như cách đặt tên chức danh và tổ chức nơi làm việc khác lạ, các buổi phỏng vấn của startup Ấn Độ đưa ra nhiều câu hỏi đặc biệt hơn những câu như “10 năm nữa bạn sẽ như thế nào?” hoặc “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”.

Dưới đây là 8 câu hỏi khó nhất, được 8 CEO công ty khởi nghiệp Ấn Độ dùng trong buổi phỏng vấn tuyển dụng.

“Khi nào bạn từ bỏ một thành viên của nhóm mình?”

Đối với CEO Vijay Shekhar Sharma, nhà sáng lập startup ví di động Paytm, kỹ năng ra quyết định của nhân viên là yếu tố then chốt. Câu hỏi quan trọng nhất mà ông đặt ra với một ứng viên là: “Khi nào bạn biết rằng đã đến lúc từ bỏ một thành viên trong nhóm và yêu cầu anh ta rời khỏi nhóm? Bạn làm thế nào để đi đến quyết định đó?”. Ông Sharma cho rằng đây là một trong những việc khó quyết định nhất trong một doanh nghiệp khởi nghiệp, và hỏi câu này giúp ông tìm hiểu “hành trình đi đến những quyết định khó khăn” của một ứng viên.

“Vì sao hôm nay bạn ngồi đây nói chuyện với chúng tôi?”

CEO kiêm nhà sáng lập Richa Kar của startup bán lẻ nội y Zivame cho rằng việc hiểu lý do một người muốn đầu quân cho công ty của bà là quan trọng. “Khi bạn tạo ra một thị trường, bạn muốn mọi người đều hào hứng như bạn trong toàn bộ quá trình sáng tạo ra cái mới. Có như thế, tất cả nhân viên đều đồng sở hữu tầm nhìn của doanh nghiệp”.

“Bạn tin vào số mệnh hay ý chí?”

Paras Chopra, nhà sáng lập kiêm CEO hãng khởi nghiệp về phần mềm Wingify, cho biết nhân viên cần nhận ra rằng họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Vì vậy, câu hỏi mà ông thường đưa ra trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng là: “Bạn có tin vào tử vi hay bói toán không?” hoặc “Bạn có nghĩ rằng chúng ta có ý chí tự do không?”. Ông Chopra giải thích: “Chúng tôi tìm kiếm những người có khả năng kiểm soát và tin tưởng mạnh mẽ bên trong rằng kết quả cuối cùng khởi nguồn từ chính hành động của họ. Chúng tôi cho rằng những người như thế có tinh thần trách nhiệm và sáng suốt hơn trong các quyết định kinh doanh quan trọng so với những người tin vào các yếu tố như sự may mắn”.

“Bán cho tôi chai nước”

Yêu cầu ứng viên bán chai nước, cái ly hay cây bút là một trong những thủ thuật lâu đời trong buổi phỏng vấn tuyển dụng vị trí nhân viên bán hàng. “Câu hỏi giúp tôi kiểm tra mức độ đồng cảm”, CEO kiêm nhà sáng lập Rajiv Srivatsa của startup bán lẻ đồ nội thất Urban Ladder nói. Câu hỏi này giúp bộc lộ khả năng sáng tạo, suy nghĩ và thấu hiểu khách hàng của ứng viên.

“Bao nhiêu xăng được tiêu thụ trên con đường bên ngoài văn phòng làm việc của chúng tôi?”

CEO kiêm nhà sáng lập Nishant Singh của hãng CRMnext hỏi câu trên để hiểu cách ứng viên giải quyết với tình huống nhiều hơn là mong chờ một câu trả lời chính xác. Câu hỏi trọn vẹn mà Singh đưa ra là: “Làm thế nào để bạn ước tính lượng xăng tiêu thụ trên con đường bên ngoài văn phòng chúng tôi, từ 20 giờ đến 21 giờ mỗi ngày, mà không cần sự trợ giúp nào?”. Singh cho biết: “Bản năng là những gì tạo ra người chiến thắng. Nhiều người thậm chí không cố gắng suy nghĩ để giải đáp mà cứ thế chịu thua. Điều này nói lên rất nhiều điều về họ”.

“Kể cho tôi nghe một lần bạn thất bại”

Amit Jain, nhà sáng lập và CEO startup cổng thông tin ô tô CarDekho, từng tập trung nhiều vào trình độ và kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của ứng viên. Song khi công ty của ông lớn mạnh hơn, ông tập trung vào yếu tố văn hóa. “Khi một ứng viên bắt đầu kể cho tôi nghe thất bại của anh ta, tôi hiểu được sự khiêm tốn hoặc tự tin thái quá của anh ấy. Thành bại trong quá khứ của một người không quan trọng nhiều với tôi, nhưng tôi muốn biết liệu các ứng viên có đủ khiêm tốn để nhận thấy và chấp nhận những gì đã xảy ra hay không”, Jain chia sẻ.

“Lần cuối bạn sai trong một cuộc tranh cãi là khi nào?”

CEO Bipin Preet Singh của startup ví di động MobiKwik muốn hiểu liệu nhân viên tiềm năng của ông có thể thoải mái chấp nhận cái sai của họ hay không. “Câu trả lời cho tôi cái nhìn sâu sắc vào mức độ cởi mở của một người, khả năng họ chấp nhận quan điểm của người khác và liệu một người có đủ khiêm tốn hay không”, ông Singh nói.

“Giải thích khái niệm “kêu gọi tài trợ đám đông” với tôi khi xem tôi như một đứa trẻ 6 tuổi”

Kêu gọi tài trợ từ đám đông là hình thức gọi vốn từ cộng đồng đã phát triển mạnh trên thế giới, song còn mới mẻ ở Ấn Độ. CEO kiêm nhà sáng lập Varun Sheth của startup nền tảng gây quỹ Ketto muốn biết độ am hiểu của ứng viên trong lĩnh vực này. Câu hỏi còn giúp đánh giá kỹ năng giao tiếp và khả năng suy nghĩ không theo lối mòn của ứng viên.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.