8 dấu hiệu cảnh báo mắt bạn có vấn đề, cần đi gặp bác sĩ ngay

31/01/2020 04:08 GMT+7

Có những bệnh như thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp, có thể gây hại cho thị lực của bạn mà bạn không nhận ra điều đó cho đến khi quá muộn.

Ngay cả những vấn đề nhỏ cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu bạn không theo dõi và điều trị.
Sau đây là một số triệu chứng về thị lực có thể chỉ ra rắc rối, theo The Healthy.

1. Nhìn thấy đốm đen và ruồi bay

Tiến sĩ Matthew Gorski, bác sĩ nhãn khoa từ Northwell Health ở Great Neck, New York (Mỹ), cho biết hiện tượng nhìn thấy đốm đen hay ruồi bay thường là triệu chứng thông thường của mắt bị lão hóa. Nhưng nếu đột ngột nhìn thấy ruồi bay, đốm đen, nhìn thấy hình ảnh có bóng mờ hoặc màu xám trong tầm nhìn ngoại vi hoặc phần rìa mắt, có thể là dấu hiệu bị rách hoặc bong võng mạc.
Nếu gặp những triệu chứng này, hãy đi khám ngay. Nếu không điều trị đầy đủ, có thể dẫn đến mất thị lực.

2. Nhìn thấy quầng sáng hoặc chói

Tiến sĩ Meredith R. Klifto, trợ lý giáo sư nhãn khoa tại Đại học Y khoa Bắc Carolina (Mỹ), cho biết càng lớn tuổi, thủy tinh thể sẽ càng kém trong, sẽ chuyển từ trong suốt sang mờ, gây đục thủy tinh thể và khó nhìn.
Các triệu chứng có thể là nhìn thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng, nhìn vào ánh sáng cảm giác rất chói, nhạy cảm với ánh sáng, gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm, nhìn một hóa hai hoặc nhìn mờ, tiến sĩ Gorski nói. Đã đến lúc hãy xem xét việc phẫu thuật thay thủy tinh thể để phục hồi thị lực, theo The Healthy.

3. Đau nhức mắt

Bác sĩ Gorski cho biết nếu đau mắt nhiều, kèm với nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác cộm xốn trong mắt, chảy nước mắt, cay rát và giảm thị lực, thường là loét giác mạc. Kính áp tròng không được bảo vệ đúng cách có thể gây loét giác mạc. Nếu đau như vậy, hãy tháo kính ra và đi khám ngay.
Các nguyên nhân gây đau mắt khác có thể là chấn thương mắt hoặc nhiễm trùng mắt, theo Học viện nhãn khoa Mỹ.

4. Nhạy cảm với ánh sáng

Một số lý do bạn có thể nheo mắt khi gặp ánh sáng. Đó là đục thủy tinh thể, nhiễm trùng và đau nửa đầu. Nhạy cảm ánh sáng cũng có thể là do mụn rộp mắt, theo Học viện nhãn khoa Mỹ.

5. Nhìn mờ

Viễn thị hoặc đục thủy tinh thể có thể gây nhìn mờ. Nặng hơn là nhãn áp và thoái hóa điểm vàng, do lão hóa và có nguy cơ gây mất thị lực. Nếu bị mờ mắt, hãy đi khám ngay, theo The Healthy.

6. Mất thị lực ngoại vi

Bệnh tăng nhãn áp ban đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng theo thời gian, khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương gây mất thị lực ngoại biên thì không thể chữa khỏi, tiến sĩ Gorski nói. Đây là lý do từ tuổi 40 trở đi, nên kiểm tra mắt định kỳ, nếu có các triệu chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, cần khám sớm hơn.

7. Đường lượn sóng

Một nguyên nhân chính gây giảm thị lực là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Bệnh này ảnh hưởng đến phần thị lực trung tâm, và các triệu chứng có thể là nhìn mờ, nhìn thấy đường lượn sóng, đốm đen ở trung tâm hoặc nhìn thấy hình ảnh biến dạng, hình ảnh nhỏ hơn hoặc lớn hơn, theo tiến sĩ Gorski.
Không thể chữa khỏi thoái hóa điểm vàng nhưng có thể ngăn ngừa bằng bổ sung vitamin và khoáng chất, tiêm và điều trị bằng laser. Tiến sĩ Gorski cảnh báo, hễ gặp phải những triệu chứng này cần phải đi khám mắt ngay lập tức, theo The Healthy.

8. Mất thị lực

Nếu mất thị lực, cần đi cấp cứu ngay lập tức. Nguyên nhân đầu tiên có thể là đột quỵ, tiến sĩ Stephanie Marioneaux, phát ngôn viên lâm sàng của Viện nhãn khoa Mỹ, nói. Theo báo cáo của Đại học Tim mạch Mỹ, điều trị kịp thời bằng thuốc làm tan huyết khối trong vòng 3 đến 4,5 giờ, có thể giảm thiểu tác hại của đột quỵ vì thiếu máu cục bộ do huyết khối gây ra.
Mất thị lực cũng có thể do võng mạc bị bong ra, mạch máu bị tắt nghẽn hoặc thậm chí là u não, tiến sĩ Marioneaux nói.
Mất thị lực cũng có thể là do tăng nhãn áp.
Nghiêm trọng nhất là tăng nhãn áp góc đóng, do tắt nghẽn đường chảy của nước mắt, làm cho áp lực mắt tăng vọt dẫn đến mờ mắt nghiêm trọng, đau nhức mắt, buồn nôn và nôn, và kích thước đồng tử bất thường. Trong trường hợp này, cần đến phòng cấp cứu để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn, theo The Healthy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.