8 điều cần nhớ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để không phạm quy

24/06/2024 18:16 GMT+7

Dựa vào Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các văn bản liên quan về kỳ thi này, Sở GD-ĐT đã đúc kết và đưa ra 8 điều thí sinh, cha mẹ thí sinh cần đặc biệt ghi nhớ và thực hiện đúng.

Thí sinh cần có mặt khi nào?

14 giờ ngày 26.6, thí sinh có mặt tại phòng làm thủ tục của điểm thi mang theo giấy báo thi, căn cước công dân để nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT, nhận thẻ dự thi và báo cáo điều chỉnh sai sót thông tin về họ, đệm, tên, ngày tháng năm sinh, diện ưu tiên (nếu có).

8 điều cần nhớ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để không phạm quy- Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội động viên thí sinh Trường THPT Trần Phú trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay

NGUYỄN MẠNH

Ngày 27 và 28.6: thí sinh có mặt đúng giờ tại điểm thi theo. Lưu ý, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó và các buổi thi còn lại.

Những vật dụng được/cấm mang vào phòng thi

Khi đến điểm thi, thí sinh phải gửi các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại nơi quy định.

Các vật dụng được mang vào gồm: bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; ê ke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Sao chụp đề thi sẽ bị xử lý hình sự

Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước ở độ "tối mật"; nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận. Mọi hành vi làm lộ, lọt đề thi sẽ bị xử lý theo các quy định tại luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: “Thi tốt nghiệp THPT 2024 phải tuyệt đối an toàn”

Kiểm tra đề thi trong 5 phút

Khi nhận đề thi từ cán bộ coi thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài, sau thời gian trên thí sinh tự chịu trách nhiệm.

Với bài thi trắc nghiệm, phải kiểm tra việc ghi và tô mã đề thi đảm bảo mã đề thi ghi và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm và mã đề thi ghi trên 2 phiếu thu bài thi phải trùng với mã đề trên đề thi.

Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm

Chỉ được ghi thông tin cá nhân trên phiếu trả trắc nghiệm bằng bút mực xanh (không được dùng bút mực đỏ) theo hướng dẫn của cán bộ coi thi.

Tại mục số báo danh và mã đề thi: ghi số báo danh và mã đề thi phải bằng bút mực xanh; tô vào các ô tương ứng bằng dùng bút chì thật chính xác.

Phần bài làm trong phiếu trả lời trắc nghiệm phải tô bằng bút chì, không tô bằng bút mực.

Trong bài thi tổ hợp, các môn thi thành phần phải cùng một mã đề, khi nhận đề thi từng môn thi thành phần, thí sinh phải kiểm tra mã đề, nếu không trùng mã đề thì phải báo ngay cho cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi để nhận được mã đề phù hợp.

Phải tô đáp án vào đúng vị trí của mỗi môn trong phiếu trả lời trắc nghiệm, cụ thể: môn 1, từ câu 1 đến câu 40; môn 2, từ câu 41 đến câu 80; môn 3 từ câu 81 đến câu 120.

Lưu ý khi nộp bài thi

Thí sinh phải kiểm tra lại thông tin cá nhân trên giấy thi và phiếu trả lời trắc nghiệm thật chính xác, ghi số tờ đối với môn tự luận, mã đề thi đối với môn trắc nghiệm và ký đủ vào 2 phiếu thu bài thi. Chỉ ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi

Điều cần biết khi tra cứu kết quả thi

8 giờ ngày 17.7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi, thí sinh có thể tra cứu điểm thi bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản lý thi theo tài khoản đã được cấp, hoặc tra cứu trên cổng thông tin điện tử của sở GD-ĐT và của Bộ GD-ĐT.

Cha mẹ cần làm gì nếu thí sinh ốm đau

Trường hợp thí sinh bị ốm đau hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước khi thi, cha mẹ học sinh báo ngay cho lãnh đạo nhà trường, nơi thí sinh học lớp 12 để được hướng dẫn đặc cách nếu đủ điều kiện theo quy định tại điều 37 Quy chế thi.

Để các thí sinh bình tĩnh, tự tin và làm bài đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị các bậc cha mẹ tiếp tục đồng hành với con trong các việc cụ thể như: quan tâm chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong các ngày thi; dành thời gian đưa thí sinh đến điểm thi vào các buổi thi; kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo thí sinh không mang các vật dụng bị cấm vào phòng thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.